Phát huy những lợi thế từ nguồn nguyên liệu lâm, khoáng sản sẵn có tại địa phương, huyện Lục Yên đã, đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở theo hướng đồng bộ. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, ổn định an ninh trật tự để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, gần đây, các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư tại huyện ngày một tăng.
Hiện, trên địa bàn có 139 DN, thu hút và tạo việc làm cho trên 1.600 lao động với tổng vốn đăng ký trên 1,4 nghìn tỷ đồng; 51 hợp tác xã và trên 300 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, xây dựng cơ bản, vận tải, thương mại và dịch vụ...
Xác định, lấy phát triển sản xuất công nghiệp là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; Lục Yên khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu các sản phẩm, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường đầu tư vào địa bàn.
Cùng đó, địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện và phối hợp để giúp đỡ các công ty, DN giải quyết khó khăn, nhất là các DN thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại các xã: Lâm Thượng, Minh Tiến, An Phú còn chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận người dân.
Đồng thời, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; từng bước triển khai và thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách ưu đãi, thu hút đối với các nhà đầu tư, kinh doanh, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của địa phương như công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, chế biến gỗ rừng trồng…
Ông Đoàn Văn Huấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương cho biết: "Là DN hoạt động tại Lục Yên nhiều năm nay, tôi thấy môi trường kinh doanh ở đây rất tốt. Huyện đã tạo điều kiện và giúp đỡ DN giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động như việc di dời nhà dân ra khỏi khu mỏ; giải quyết thủ tục hành chính rất nhanh gọn. Đặc biệt, trong năm 2019 và gần đây, nhất là tháng 7 vừa qua, Chương trình Cà phê doanh nhân của tỉnh được tổ chức trên địa bàn huyện đã giúp DN chúng tôi được gần lãnh đạo tỉnh hơn; những đề xuất, kiến nghị của DN được lãnh đạo các ngành và tỉnh giải đáp thỏa đáng”.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện vẫn đạt 762,4 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp có giá trị khai thác và chế biến đạt cao như: đá Block 17.055m3 , đá Marble đạt 60.140m3, đá xẻ tấm lớn đạt 83.750m3, đá hộc nguyên liệu nghiền bột đạt 116.325m3... Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từng bước tạo dựng được uy tín và có chỗ đứng trên thị trường như: tranh đá quý, các sản phẩm đá cảnh, tượng đá...
Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Do đó, bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hệ thống đường giao thông, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.
Ông Đinh Khắc Yên - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ sớm triển khai lập các dự án đường giao thông tại các tuyến: Tân Lĩnh - Minh Chuẩn; Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến - An Phú. Cùng đó, huyện đã được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với chủ trương cải tạo nâng cấp đường Tân Lĩnh - Minh Chuẩn dài 15,4 km; đường Liễu Đô - Minh Tiến, dài 5,3 km; đường Lâm Thượng - Tân Phượng; đường Lâm Thượng - Khai Trung và lập dự án tuyến đường tránh thị trấn Yên Thế, mở rộng không gian gắn với chỉnh trang đô thị thị trấn Yên Thế. Với hệ thống đường giao thông đồng bộ, thông suốt, Lục Yên hy vọng sẽ thu hút được nhiều DN đến đầu tư; đồng thời, huyện luôn cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã để đưa Lục Yên sớm trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh”.
Hồng Duyên