Năm 2019, HTX đã được các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm hướng dẫn hoàn thiện các minh chứng cho sản phẩm mật ong hoa tự nhiên gồm: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; mẫu chai, lọ, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng chỉ dẫn địa lý "Mật ong Mù Cang Chải” cho sản phẩm mật ong của huyện. Với sự quan tâm, giúp đỡ của huyện, đến nay, HTX hoàn thiện xong hồ sơ để thẩm định, đánh giá, xếp loại sản phẩm theo Chương trình OCOP cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Giám đốc HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải cho biết: "Trước khi tham gia Chương trình, sản phẩm của chúng tôi đã tạo được thương hiệu bằng nhãn mác, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Bởi vậy, mùa du lịch năm 2019, tuy có khá nhiều gian hàng bày bán sản phẩm mật ong nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn được du khách ưa chuộng mua làm quà dù giá trị cao gấp đôi. Nếu sản phẩm của HTX được xếp hạng OCOP sẽ càng nâng cao vị thế cho sản phẩm, tạo được sản phẩm chuyên nghiệp, đặc trưng của huyện không chỉ để tiêu thụ trong huyện mà còn vươn ra hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc”.
Vài năm gần đây, khi du lịch Mù Cang Chải ngày càng phát triển, một bộ phận đồng bào đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với tư duy hàng hóa. Bởi vậy, khi Chương trình được phổ biến, các hộ sản xuất kinh doanh, HTX đều nhiệt tình, mong muốn tham gia.
Tuy nhiên, thực hiện Chương trình OCOP - một chương trình mới, cần sự chuyên nghiệp, bài bản từ việc tổ chức sản xuất cho đến xây dựng hồ sơ cho sản phẩm đã gây nhiều lúng túng, khó khăn cho chủ thể, đặc biệt là khó khăn về vốn đầu tư của chủ thể khi thực hiện các minh chứng cho sản phẩm, đầu tư các loại máy móc, nếu chỉ dựa vào chủ thể sẽ khó để thực hiện thành công chương trình.
Xác định những khó khăn ngay từ đầu, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình theo giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với cụ thể từng hoạt động, giao từng phòng chuyên môn đảm nhận hướng dẫn, giúp đỡ như: tuyên truyền, hướng dẫn triển khai chương trình, đăng ký sản phẩm, lựa chọn ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Đồng thời, xây dựng hướng dẫn chi tiết gửi đến UBND các xã, thị trấn. Huyện còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã, thị trấn, các hộ sản xuất kinh doanh, HTX trên địa bàn với các nội dung: giới thiệu về chương trình, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tư vấn cho các chủ thể đăng ký tham gia…
Cuối năm 2019, đã có 3 chủ thể đăng ký thực hiện Chương trình, gồm: HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải, xã Dế Xu Phình với sản phẩm mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải; HTX La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn với sản phẩm nhà nghỉ du lịch cộng đồng; HTX Nông nghiệp sạch T&D, xã Khao Mang với sản phẩm quả sơn tra.
Đến nay, các chủ thể đang tích cực hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm, phấn đấu được xếp hạng, đánh giá 3 sao trong năm 2020.
Mỗi xã ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đều có sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu như: ngô tí hon, lạc đỏ của xã Hồ Bốn, hồng giòn Nậm Khắt, lê tai nung Púng Luông… Đây đều là những sản phẩm có thể phục vụ du lịch.
Bởi vậy, để trở thành huyện du lịch, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến thương mại, việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng cũng rất cần thiết. Và Chương trình OCOP sẽ giúp huyện Mù Cang Chải thực hiện điều đó.
Nguyễn Hoài