Được thành lập từ năm 2019, đến nay, HTX Hội Nông dân Mù Cang Chải đã trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập, cũng hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho nông dân. HTX không những tạo được vùng nguyên liệu rau an toàn mà còn gây dựng được một cơ sở kinh doanh được ví như một chợ dân sinh thu nhỏ với đa dạng các mặt hàng thực phẩm. Tất cả nông sản của HTX sản xuất đều hướng an toàn từ khâu chọn đất, nước tưới, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế.
Cơ sở kinh doanh của HTX với các khu vực sản xuất, sơ chế, kho bảo quản lạnh, khu giết mổ, khu bày bán sản phẩm cũng đã đưa vào hoạt động ổn định, không chỉ phục vụ nhu cầu mua lẻ sinh hoạt của người dân thị trấn mà còn cung cấp đầy đủ cho các trường học trên địa bàn.
Ông Giàng A Lu – Giám đốc HTX cho biết: "Vì phục vụ một lượng lớn học sinh nên thời gian học sinh nghỉ hè, HTX tạm dừng hoạt động chờ năm học mới. Song, trước đó, HTX đã và đang cung cấp thực phẩm cho 4 trường học, tạo việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng”.
Đây chỉ là một trong số 27 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Có thể thấy, HTX đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Để hình thức kinh tế tập thể phát triển mạnh, huyện Mù Cang Chải đã quan tâm, thực hiện nghiêm Luật HTX 2012, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 và bổ sung thêm các chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp...
Theo đó, huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn với nội dung "Triển khai Luật HTX năm 2012 và tham gia thực tế học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác”; thường xuyên hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ kinh doanh và HTX; tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh; khuyến khích thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với nông dân qua các HTX; hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và giúp đỡ các HTX công nghiệp, dịch vụ đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh.
Giai đoạn 2011-2020, huyện phối hợp hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải 1 hệ thống tưới tự động trị giá 300 triệu đồng; hỗ trợ 3 HTX (HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, HTX Nông nghiệp sạch T and D và HTX Hội nông dân) hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm trên địa bàn huyện, mỗi HTX 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX theo quy định.
Ông Sùng A Chua – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thời gian tới, huyện khuyến khích phát triển HTX trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên… Đồng thời, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm của HTX, tận dụng tối đa nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện như: các trường học, các khu đông dân cư; hỗ trợ HTX giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm”.
Để phát triển mạnh HTX ở vùng cao, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, bản thân mỗi HTX cũng phải tự khắc phục những hạn chế để phát triển ngày càng vững mạnh hơn.
H.A