Đây quả là một nhiệm vụ "rất nặng nề” đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương với nội dung đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra hôm 21/8 vừa qua.
Thông tin đưa ra tại hội nghị này cho thấy, vẫn còn 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo của những bộ ngành, địa phương này - đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.
Vì sao lại có những yêu cầu "gắt gao” liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công như vậy?
Đây là một trong ba "cỗ xe tam mã” (cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, yếu tố xuất khẩu và tiêu dùng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì tác động của dịch Covid-19.
Người viết cho rằng, câu chuyện này không đơn thuần chỉ là vì con số tăng trưởng GDP, không chỉ là thành tích của nền kinh tế mà gắn trực tiếp với lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Sự hiệu quả trong từng đồng vốn đầu tư phản ánh chính xác khả năng, tầm nhìn khi dùng đồng tiền ngân sách, tiền thuế nhân dân của bộ ngành, địa phương như thế nào. Nói thẳng ra, điện - đường - trường - trạm (cơ sở y tế)… yếu kém mà bảo lãnh đạo giỏi thì ai mà tin được?!
Đó là chưa nói đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu khác, trong đó có yếu tố lãi vay. Ở các dự án ODA, nguồn vốn vay để đầu tư nếu bị ách tắc, cứ mỗi ngày trôi qua gánh nợ lại càng nặng thêm.
Ở nước ta, đầu tư công chủ yếu rót vào những công trình hạ tầng. Trong khi, Thủ tướng sốt ruột với tình trạng "có tiền mà không tiêu được” thì với hạ tầng yếu, hiệu quả kinh tế sẽ bị "kéo xuống”.
Thời gian qua, một số "đại bàng”, doanh nghiệp FDI lớn cân nhắc lựa chọn mở rộng đầu tư ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác thay vì Việt Nam mà nguyên nhân xuất phát từ cơ sở hạ tầng (đất đai, nhà xưởng, giao thông…). Chính thực trạng cũng đã cho thấy là "thiệt hại” nhãn tiền của hoạt động sử dụng vốn đầu tư công thiếu hiệu quả.
"Một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng có nơi làm tốt, có nơi hầu như không giải ngân được? Do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc? Hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém? Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu: "Các đồng chí phải trả lời câu hỏi này”, đặc biệt là các dự án ODA.
Không rõ các lãnh đạo ngành và lãnh đạo địa phương trả lời với Thủ tướng ra sao. Tuy nhiên, với hàng loạt "lỗ hổng”, "kẽ hở” của hoạt động giải ngân như nghi vấn "rút ruột” công trình tại nhiều dự án xây dựng đường sá, cầu cống… vừa qua, có thể hiểu một phần của sự ái ngại này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thủ tướng giao rõ: "Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao…”.
Để giải bài toán này không phải dễ. Nhưng thiết nghĩ, nếu dễ, ai cũng làm được thì cần gì phải yêu cầu tố chất "tâm, tầm, tài” khi bình bầu, bổ nhiệm lãnh đạo?
(Theo Dân Trí)