Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang tích cực tham gia lớp tập huấn về sản xuất nông sản sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm… để ngày càng nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng.
Hiện nay, xã Phúc Sơn có 2 mô hình nông sản hữu cơ là sản xuất lúa và rau màu. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được thực hiện từ đầu vụ chiêm xuân 2020 với 10 hộ tham gia trên diện tích hơn 1 ha. Gia đình chị Đinh Thị Ngọc Lan ở thôn Bản Lụ 2 là hộ đi đầu trong thực hiện sản xuất lúa hữu cơ ở xã với diện tích 1.600 m2 lúa Séng cù.
Theo chị Lan, trong quá trình chăm sóc lúa, gia đình chị bón 100% phân chuồng, phân xanh ủ hoai mục; làm cỏ hoàn toàn thủ công để vừa loại trừ thuốc trừ cỏ trong sản xuất vừa có tác dụng sục bùn; khi lúa làm đòng, trỗ bông, chắc hạt thì thường xuyên ra thăm đồng để kiểm tra sâu bệnh, nếu có dấu hiệu sâu bệnh sẽ kịp thời xử lý bằng chế phẩm bảo vệ thực vật tự chế từ các loại củ, quả kết hợp với rượu.
Đặc biệt, nguồn nước cung cấp vào ruộng cũng là nguồn nước sạch lấy từ chân đồi và không quá 20 gia đình sử dụng. Qua thu hoạch vụ chiêm xuân của các hộ, năng suất lúa đạt 50 tạ/ha, có thấp hơn so với năng suất sản xuất lúa thông thường; tuy nhiên, giá trị kinh tế cao hơn vì thóc được giá 15.000 đồng/kg (cao hơn 5 giá so với Séng cù sản xuất thông thường), gạo được giá 30.000 đồng/kg (cao hơn 10 giá so với gạo Séng cù sản xuất thông thường). Trong vụ đầu, gạo của các hộ này sản xuất ra được các công ty, siêu thị thu mua hết.
Nhận thấy nhiều giá trị của phương thức sản xuất hữu cơ, nhiều hộ ở thôn Bản Lụ 2 đã học tập, chuyển từ sản xuất lúa truyền thống sang hữu cơ. Vụ mùa 2020, Bản Lụ 2 có 18 hộ sản xuất lúa Séng cù hữu cơ với diện tích 1,5 ha.
Chị Đinh Thị Thúy, thôn Bản Lụ 2 cho biết: "Vụ mùa này, gia đình mình cũng sản xuất lúa Séng cù hữu cơ với diện tích 1.600 m2 và được các hộ đã làm trước hướng dẫn tận tình, được tham gia tập huấn nên rất yên tâm. Bờ ruộng nhà mình cũng trồng một số loại cây hoa nhằm hạn chế côn trùng gây hại cho lúa, hạn chế phát sinh các loại sâu bệnh. Mình thấy làm nông nghiệp theo phương thức này vừa có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng vừa giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình khi không phải trực tiếp tiếp xúc với hóa chất, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ”.
Cùng với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, xã Phúc Sơn còn có mô hình sản xuất rau hữu cơ ở 8 hộ với diện tích 8.000 m2. Rau được chăm bón bằng phân xanh hay phân chuồng ủ hoai mục, tưới nước sạch và cũng phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm bảo vệ thực phẩm tự nhiên. Hiện, rau sản xuất ra được cung ứng cho một đơn vị trường học là chính cùng những khách hàng biết đến mô hình này.
Chị Hà Thị Cươi, thôn Bản Lụ 2 cho biết: "Trồng rau hữu cơ chỉ với diện tích 1.000 m2, gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm mà không phải lo đi bán lẻ như trước vì được cùng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm”.
Từ các mô hình đã có, xã Phúc Sơn định hướng, tuyên truyền vận động thành lập Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Phúc Sơn và ra mắt vào tháng 7/2020. Hợp tác xã có 12 ngành nghề hoạt động đa dạng. Các hội viên Hợp tác xã tích cực trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tham gia tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kỹ năng quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường…
Đặc biệt, Hợp tác xã có quy chế giám sát nhằm đảm bảo tất cả các hộ đều tuân thủ đúng phương thức sản xuất hữu cơ. Nếu hộ nào vi phạm phương thức sản xuất thì sẽ có các hình thức xử lý từ nhắc nhở, xử phạt cho đến loại trừ khỏi thành viên Hợp tác xã.
Chị Đinh Thị Ngọc Lan - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: "Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ lên 3 ha cũng như tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì với những thông tin nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng và biết đến sản phẩm nhiều hơn. Hợp tác xã cũng mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn để hội viên mở rộng sản xuất và kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế các mặt hàng, giúp hội viên làm giàu trên chính đồng đất của mình bằng phương thức sản xuất an toàn, bền vững”.
Thu Hạnh