Mới đây, Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được ra mắt. Chi hội được thành lập theo Nghị quyết 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động dựa trên tiêu chí "5 cùng”.
Ngay sau khi thành lập, Chi hội tham gia thực hiện Dự án với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 830 triệu đồng. Dự án sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Hồng, nâng cao đời sống của hội viên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phát triển.
Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng cây lá khôi của thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.
Hiện toàn tỉnh có 38 tổ hội nghề nghiệp, 636 thành viên là hội viên nông dân hoạt động trên các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Đây sẽ là tiền đề để Hội Nông dân tỉnh thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX_, doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cùng đó là hoạt động giải ngân nguồn vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho các hộ tham gia các dự án của Hội. Cụ thể là Dự án chăn nuôi đại gia súc tại các xã Đại Minh và Xuân Lai, huyện Yên Bình. Nguồn vốn vay 1,1 tỷ đồng từ Dự án sẽ tạo điều kiện để 20 hộ tham gia mua thêm con giống, mở rộng chuồng trại phát triển chăn nuôi, góp phần hình thành các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.
Hội Nông dân tỉnh giải ngân Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho các hộ tham gia các dự án chăn nuôi đại gia súc tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình
Trên cơ sở Kế hoạch số 86 của Hội Nông dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 49 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tập trung phát huy thế mạnh của các địa phương như: quế, dâu tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ tổng hợp... gắn với HTX, THT, hoàn thành xây dựng 5 chuỗi giá trị, thành lập mới 8 HTX , 100 THT. Qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và có tính bền vững, tạo liên kết tiêu thụ ổn định cho hội viên.
Mô hình nuôi trâu của anh Hoàng Tiến Đạo, thành viên Dự án chăn nuôi đại gia súc xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống cũng như sản xuất của hội viên nông dân toàn tỉnh, nhất là tiến độ thực hiện các chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 190 Tỉnh ủy giao. Tuy nhiên, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của Hội Nông dân tỉnh và cách làm sáng tạo của các cơ sở Hội, các cán bộ, hội viên vừa chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống, dịch bệnh vừa tích cực tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu giao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân.
Minh Huyền – Mạnh Cường