Cái được lớn nhất trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên trong những năm qua là đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp sang sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung.
Trấn Yên chưa phải là địa phương đi đầu trong sản xuất hàng hóa, nhưng đã và đang là huyện dẫn đầu trong hình thành và phát triển các loại sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương với khối lượng lớn.
Bên cạnh đó, đã có sự chuyển đổi căn bản về quy mô, chất lượng và sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị (vùng tre măng Bát độ gần 3.400 ha, vùng quế trên 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu trên 760 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700 ha và trên 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa).
Măng tre Bát độ, kén tằm, quế, chè Bát Tiên... là những sản phẩm chủ lực của huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đầu năm 2020 này, huyện đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Đó được coi là nền tảng để "tam nông” ở Trấn Yên phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 1.600 tỷ đồng (nông nghiệp 1.000 tỷ đồng, lâm nghiệp 540 tỷ đồng, thủy sản 60 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Đây là những mục tiêu quan trọng, do đó Trấn Yên cần phải có những cách làm bài bản và hướng đi chắc chắn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, bền vững, gắn với chế biến sâu và mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên cho vùng cao, vùng khó khăn với mục tiêu chuyển dịch nhanh kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa ở vùng thấp; đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm...”.
Việc duy trì và nâng cao hiệu quả của các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi đang rất thành công ở Trấn Yên. Thực tế cũng cho thấy, muốn sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu hoạch chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Từ những héc-ta tre măng Bát độ ban đầu, nay toàn huyện đã có gần 3.400 ha, sản lượng măng vỏ tươi năm 2020 ước đạt 70.000 tấn (măng thương phẩm ước đạt 25.000 tấn), giá trị ước trên 100 tỷ đồng, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tre măng Bát độ kinh doanh đạt 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Trấn Yên cũng rất thành công khi chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả, sang trồng dâu nuôi tằm. Với trên 760 ha dâu, sản lượng kén đạt trên 1.000 tấn, thu về 100 tỷ đồng. Việc trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập từ 1 ha trồng dâu và nuôi tằm đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần.
Do đó, cần tiếp tục chuyển đổi mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm và liên doanh, liên kết xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa đưa cây dâu và con tằm trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Bên cạnh đó, huyện phát triển vùng cây ăn quả có múi đến năm 2025 lên trên 1.000 ha, sản lượng đạt trên 3.500 tấn; trồng mới, trồng cải tạo thay thế đối với diện tích tre măng Bát độ già cỗi, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng; xây dựng, phát triển vùng thâm canh tập trung tại Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh với diện tích trên 4.000 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt 30.000 tấn.
Trong sản xuất lâm nghiệp, liên kết xây dựng vùng gỗ nguyên liệu và cấp chứng chỉ rừng (FSC-FM) giữa các nhóm hộ trồng rừng tại các xã trên địa bàn huyện với diện tích 12.000 ha rừng trồng. Đặc biệt, xây dựng vùng nguyên liệu quế trên 16.000 ha, trong đó quế an toàn hữu cơ 10.000 ha gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Với những mục tiêu, Nghị quyết đã đề ra, Trấn Yên đang cụ thể hóa bằng các chương trình hành động một cách đồng bộ, rõ lộ trình, rõ trách nhiệm cùng với sự linh hoạt, sáng tạo và phát huy vai trò của các cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện, chắc chắn Trấn Yên sẽ sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngọc Trúc