Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. HTX góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho thành viên, nhất là những người lao động yếu thế như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… góp phần giữ gìn ổn định xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. Nhiều hoạt động của HTX có giá trị kinh tế không cao, nhưng có ý nghĩa, vai trò xã hội rất lớn như các HTX về môi trường, về nước sạch, lâm nghiệp, trồng rừng và bảo vệ rừng...
Những năm gần đây, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) thông qua các đề án hỗ trợ cho khu vực KTTT phát triển...; tiêu biểu là Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND về củng cố, phát triển HTX, THT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030...
Nhờ đó, khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển khá ổn định, số lượng HTX, THT tăng theo từng năm, phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng hoạt động được nâng lên. Tính đến hết tháng 7/2020, toàn tỉnh có 457 HTX, tăng 141 HTX, bằng 43,5% so với năm 2016.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 279 HTX, chiếm 60%; công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp là 82 HTX, chiếm 17,6%; thương mại - dịch vụ, vận tải 67 HTX chiếm 14,4%; 17 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 3,7%, còn lại là các lĩnh vực khác.
Các HTX thu hút 28.000 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 7.780 người. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 2.100 triệu đồng/năm, tăng trên 44% so với năm 2016; trong đó, doanh thu đối với thành viên ước đạt 1,3 tỷ đồng. Lãi bình quân 1 HTX 430 triệu đồng, tăng 69,9% so với năm 2016, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 59,4% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm khu vực KTTT, HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 36 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng so với năm 2016.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái nói: "Các HTX cơ bản đã thể hiện bản chất, nguyên tắc, giá trị và đóng góp lớn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày một tăng”.
Cùng với HTX, các THT cũng phát triển mạnh mẽ: đến nay, toàn tỉnh có 3.965 THT, tăng 3.200 THT (bằng 42,3%) so với năm 2016. Doanh thu bình quân của các THT đạt 300 triệu đồng/tổ/năm, tăng 25 triệu đồng/tổ/năm (bằng 9%) so với năm 2016; lợi nhuận bình quân của THT 70 triệu đồng/tổ/năm, tăng 28 triệu đồng/tổ/năm (bằng 66,6%) so với năm 2016; thu nhập bình quân thành viên, lao động 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, KTTT tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển nhanh; phong trào HTX phát triển rộng khắp và hoạt động trong các lĩnh vực.
Khu vực KTTT tỉnh Yên Bái đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh công tác liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động và nhiều mô hình HTX kiểu mới sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đã hình thành và phát triển. KTTT đã thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho hàng vạn thành viên, tổ viên cũng như việc làm thời vụ cho người lao động, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất và từng bước ổn định đời sống ở nông thôn, xây dựng quan hệ sản xuất mới, khắc phục đáng kể thời gian nông nhàn, tạo thêm của cải vật chất cho nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Trúc