Ông Nguyễn Tiến Lâm - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Với 36 cán bộ được sáp nhập từ 3 trạm làm một đã giúp tinh gọn đầu mối các đơn vị, tạo sự nhất quán trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp không còn sự chồng chéo. Trước đây, có đơn vị trực thuộc huyện, đơn vị lại chịu sự chỉ đạo thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra.
Từ khi thành lập TTDVHTPTNN, sự chỉ đạo điều hành của huyện đã kịp thời hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Trung tâm. Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai nhiều chương trình về phát triển nông nghiệp, đề án về cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu phát sinh dịch bệnh, nâng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác để người dân thoát nghèo bền vững”.
Hàng năm, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, Trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện và các ngành chức năng để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng tháng, quý tới từng vùng, các địa phương.
Qua đó, trong 8 tháng năm 2020, Trung tâm đã mở được 63 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho 2.714 lượt người tham gia; phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân gieo cấy được 2.680 ha lúa xuân và 2.714 ha lúa mùa với cơ cấu bằng các giống lúa lai, lúa thuần và lúa nếp có năng suất, chất lượng cao như: Chiêm hương, HT1, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7 và Nghi hương 305…; hướng dẫn các hộ dân có diện tích lúa thiếu nước chuyển sang trồng cây màu khác; thường xuyên điều tra, dự báo tình hình sinh vật gây hại lúa 2 lần/tuần; hướng dẫn người dân tăng cường trồng ngô và rau màu; nhân rộng mô hình thả cá ruộng.
Trung tâm đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; hướng dẫn cách trồng chè và chăm sóc cây ăn quả; xây dựng những mô hình cây trồng hiệu quả như: trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Chấn Thịnh, Sơn Thịnh, Sơn Lương; trồng bưởi da xanh ở xã Đồng Khê, Đại Lịch, thị trấn Sơn Thịnh; trồng na tại Đồng Khê, Suối Bu…; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi…
Công tác chăn nuôi - thú y cũng đặc biệt quan tâm như triển khai công tác tiêm vắc-xin định kỳ cho trên 60.000/94.431 con gia súc, gia cầm gồm: vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò; vắc - xin lở mồm long móng và dịch tả lợn…
Tập huấn kỹ thuật bảo quản thức ăn và phòng chống đói rét cho trâu, bò vào mùa đông; kiểm dịch nhập đàn bò, lợn, gà của các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi; kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển các sản phẩm thịt từ động vật trong và ngoài địa bàn…
Được cán bộ TTDVHTPTNN huyện hướng dẫn về chuyển giao KHKT, đến nay, người dân của 24 xã, thị trấn trong huyện Văn Chấn đã nắm bắt và thực hiện trồng, chăm sóc các loại cây trồng theo quy trình của VietGAP; có sổ theo dõi, ghi chép quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.
Nhiều cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm với các thương hiệu như: cam, chè búp tươi, gạo nếp Tú Lệ… tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường tiêu thụ. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.
Thạch Phong