Hưng Thịnh: Phát triển chăn nuôi từ Nghị quyết 13

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/9/2020 | 1:59:57 PM

YênBái - Ngày 14/4/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Một mô hình nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Trấn Yên (Ảnh Minh Huyền).
Một mô hình nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Trấn Yên (Ảnh Minh Huyền).

Đây là chính sách rất quan trọng và cần thiết giúp nông dân có điều kiện khôi phục sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống và tăng trưởng kinh tế.

Là địa phương chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19; trong đó, nhiều lao động trên địa bàn xã mất việc làm, giảm thu nhập… xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã sớm triển khai Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh và Hướng dẫn số 01 của UBND tỉnh về chính sách này. 

Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: "UBND xã đã sớm ban hành Công văn số 27, ngày 27/4/2020 về việc triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết số 13; tổ chức tuyên truyền đến nhân dân về chính sách hỗ trợ của tỉnh; đồng thời, vận động bà con cần nắm lấy cơ hội để phát triển chăn nuôi… Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đã hăng hái đăng ký và bà con coi đây là yếu tố kích thích để khôi phục chăn nuôi sau bệnh dịch tả lợn châu Phi”. 

Kết quả, đã có 38 hộ đăng ký với các quy mô chăn nuôi lợn nái từ 5 con trở lên; chăn nuôi lợn nái, kết hợp với 50 lợn thịt; nuôi gà đặc sản từ 200 con/lứa trở lên và nuôi gà thịt thông thường từ 500 con/lứa trở lên; tổng số tiền được hỗ trợ 473 triệu đồng. 

Qua giám sát của HĐND tỉnh tại xã Hưng Thịnh cho thấy, tuyệt đối không có tình trạng lạm dụng chính sách của Nhà nước; 100% hộ dân đã nhận tiền đều đầu tư sửa chữa chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi và nhiều hộ dù chưa nhận được tiền hỗ trợ nhưng đã sửa chữa chuồng trại, mua con giống, phòng trừ dịch bệnh và chăn nuôi ổn định. 

Số tiền mà tỉnh hỗ trợ cho mỗi hộ không nhiều (từ 5 đến 18 triệu đồng/hộ) nhưng bà con rất trân trọng đồng vốn, bởi trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay ngành nào, lĩnh vực nào cũng khó khăn và ngân sách Nhà nước càng hạn hẹp. Vì thế, phát huy được nguồn hỗ trợ để gia đình mình vươn lên trong cuộc sống là trách nhiệm của mỗi người và thể hiện sự tri ân với Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến nông dân trong lúc khó khăn. 

Là một trong những hộ nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 13, ông Dương Đức Long ở thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh đã sửa chữa chuồng trại và mua đàn lợn giống 85 con về nuôi, vượt 35 con so với số lợn đăng ký ban đấu. Nhờ sớm tái đàn và chăm sóc, phòng dịch đúng kỹ thuật nên đàn lợn nhà ông sinh trưởng tốt, một nửa số lợn đã chuẩn bị được xuất bán. 

Không theo nghề nuôi lợn, ông Phạm Văn Viễn ở thôn Khang Chính nhận được 5 triệu đồng tiền hỗ trợ và mua 200 gà con về chăn thả. Giống gà đặc sản của đồng bào Mông được chăm sóc, phòng bệnh tốt nên lớn rất nhanh; đặc biệt, chất lượng thịt thơm ngon nên giá bán sẽ cao hơn hẳn những giống gà thông thường. Từ lứa gà do Nhà nước hỗ trợ vốn sẽ mở ra ngành nghề cho gia đình ông ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh mang lại vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ như: điều kiện mua giống lợn nái, con giống phải đảm bảo các điều kiện gồm: giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; cơ sở đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thú y; giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh do cơ quan thú y cấp tỉnh cấp. 

Trong khi đó, số cơ sở, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện và cả tỉnh hiện nay có đầy đủ các giấy chứng nhận là rất ít, dẫn đến việc cung ứng nguồn giống gặp khó khăn. Đối với quy mô chăn nuôi gà, vịt đặc sản 200 con/lứa, về chuồng nuôi yêu cầu phải xây mới là chưa phù hợp với thực tế vì rất nhiều hộ đã có sẵn chuồng trại, không thể phá bỏ đi để xây mới. 

Cùng với đó, giá lợn giống đang rất đắt, trong khi giá lợn hơi đang có dấu hiệu hạ nên khiến nhiều người chăn nuôi lo ngại… Thiết nghĩ, những khó khăn mà bà con xã Hưng Thịnh phản ánh là có cơ sở, cần được UBND tỉnh xem xét, hướng dẫn để chính sách ưu việt của tỉnh phát huy hiệu quả.
 Lê Phiên

Tags Hưng Thịnh chăn nuôi Nghị quyết 13

Các tin khác
Giới chuyên gia cho rằng, mỗi khi giá vàng suy giảm cũng là cơ hội mua vào (ảnh minh họa)

Giá vàng SJC giữ nguyên chiều bán ra nhưng tăng nhẹ chiều mua vào nhằm khuyến khích nhu cầu đầu tư trong khi giá vàng thế giới đang đi xuống. Theo đó, giá vàng SJC đang đắt hơn 2 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất bao bì, Tổng Công ty Xi măng Yên Bình.

Trong 8 tháng năm 2020, huyện Yên Bình đã giải quyết làm mới cho trên 2.200 lao động đạt trên 65% kế hoạch giao.

Một tuyến đường ở khu trung tâm huyện Văn Yên.

Văn Yên đề ra mục tiêu nâng cấp các xã có tiềm năng lên đô thị loại V gồm: An Thịnh, An Bình, Xuân Ái vào năm 2025 và tập trung mọi nguồn lực trong tương lai gần phát triển thị trấn Mậu A từ đô thị loại V lên đô thị loại IV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục