Những ngày qua, người dân đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gửi tiền tiết kiệm khá đông, nhiều người chọn kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm.
Bà Nguyễn Thị N. ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Giá vàng lên xuống bất thường, rất khó có thể lên hơn, giá nhà đất đã lên tới đỉnh, chắc chắn còn lâu mới tăng trở lại, chưa kể những dự án tạo ra quỹ đất mới, chủ đầu tư đưa ra mức giá khá cao, gần tương đương với giá thị trường nên nhà đầu tư không thể lướt sóng như trước. Trong bối cảnh này, tôi chọn phương án gửi tiền tiết kiệm ngân hàng”.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy, Đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 28.130 tỷ đồng, tăng 4,88%.
Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 19.282 tỷ đồng, tăng 8,98%, chiếm tỷ trọng 67,60% tổng nguồn vốn; riêng tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng cao đạt 15.693 tỷ đồng, tăng 14,74% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,12%).
Các chuyên gia kinh tế phân tích cho rằng, nguyên nhân dòng tiền chảy mạnh vào các ngân hàng thương mại là huy động vốn của hệ thống ngân hàng cao hơn tín dụng trong bối cảnh lãi suất đầu vào liên tục giảm, cho thấy người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm cho dòng vốn nhàn rỗi. So với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đang biến động mạnh, bất động sản trầm lắng, tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng giảm… gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và sinh lời tốt.
Về cơ bản, lãi suất tiết kiệm vẫn thực dương (mức lãi suất tiền gửi 12 tháng đạt 6,5%, trong khi lạm phát được dự báo là 4%). Nguồn vốn được tăng cường bằng kênh tiền gửi không những giúp các ngân hàng thương mại chủ động được nguồn lực, đáp ứng nhu cầu cho vay mà còn là cơ sở vững chắc nhất để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp đỡ các khách hàng, nhất là các khách hàng doanh nghiệp có điều kiện duy trì, phục hồi và tới đây là tăng trưởng sản xuất (khi đầu vào giảm thì đầu ra sẽ giảm theo).
Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc BIDV Chi nhánh Yên Bái cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ các khách hàng trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh Covid - 19, đến nay đã có trên 100 khách hàng được BIDV Yên Bái áp dụng chính sách hỗ trợ với tổng dư nợ trên 1.300 tỷ đồng. Nhờ sự tiếp sức từ phía ngân hàng, doanh nghiệp đã cầm cự và ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống và việc làm cho đội ngũ công nhân. Về công tác huy động vốn, 8 tháng đầu năm BIDV Yên Bái đã huy động được gần 4.500 tỷ đồng, tăng 6,66% so với đầu năm”.
Được biết tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 13/8/2020 trên địa bàn tỉnh là 4.495 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng dư nợ. Trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã là 3.203 tỷ đồng; cá nhân là 1.292 tỷ đồng. Các chi nhánh ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân đã tháo gỡ khó khăn cho 21.861 khách hàng. Cụ thể là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.029 khách hàng với dư nợ 955 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 895 khách hàng với dư nợ 786 tỷ đồng (25 khách hàng là doanh nghiệp với dư nợ 703 tỷ đồng, 870 khách hàng cá nhân với dư nợ 83 tỷ đồng); miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 134 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi là 169 tỷ đồng (11 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 80 tỷ đồng, 123 khách hàng cá nhân với dư nợ 89 tỷ đồng). Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay là 3.365 tỷ đồng đối với 13.563 khách hàng.
Trong đó, khách hàng là doanh nghiệp và hợp tác xã là 121 đơn vị với doanh số cho vay 11.166 tỷ đồng; 13.442 khách hàng cá nhân, doanh số cho vay 2.199 tỷ đồng. Giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/01/2020 (dư nợ hiện hữu) từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 7.269 khách hàng, dư nợ được giảm lãi là 4.784 tỷ đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng và khả năng tài chính của từng chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân.
Với kết quả trên, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp, khách hàng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt, cùng với sự tiến bộ của nền y học, nhất là những bước tiến trong việc nghiên cứu vắc xin phòng ngừa, dịch bệnh sẽ qua đi, nền kinh tế trong nước và thế giới sẽ phục hồi trở lại, giống như chiếc lò xo bị nén, khi bung ra sẽ rất mạnh mẽ, khi ấy nguồn vốn tín dụng có yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, chính vì vậy, việc chuẩn bị nguồn vốn lớn với mức giá hợp lý là vấn đề quan trọng cho phía ngân hàng và cả nền kinh tế.
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái:
Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam (chưa loại bỏ các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua) tăng 5,15% so với đầu năm, đạt trên 11,118 triệu tỷ đồng.
Trong đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến giữa năm nay đạt 4,134 triệu tỷ đồng, tăng 4,32%; số dư tiền gửi của người dân đạt trên 5,075 triệu tỷ đồng, tăng 5,09% so với đầu năm. Với tỷ lệ tăng này, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng nửa đầu năm nay lên tới hơn 246.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỷ đồng.
Tính bình quân, mỗi ngày từ đầu năm có khoảng 1.367 tỷ đồng được người dân mang gửi vào các ngân hàng. |
Lê Phiên