Có thể thấy, những năm gần đây, tốc độ xây dựng và phát triển đô thị của thành phố diễn ra khá nhanh, nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng, có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển lớn cho thành phố.
Trong đó, nhiều công trình mang ý nghĩa chiến lược đối với thành phố và tỉnh như: công trình cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Tuần Quán; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; công trình tu bổ, tôn tạo, mở rộng khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái; Dự án nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án đô thị động lực - tiểu dự án thành phố Yên Bái...
Tính riêng trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố đã thực hiện trên 280 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 1.029 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là 628 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố ước đạt 19.700 tỷ đồng, gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 12,3%/năm; giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn năm 2020 ước đạt 1.950 tỷ đồng.
Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đô thị giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 đã tạo ra chuyển biến tích cực trong quản lý đô thị, đánh dấu tốc độ đô thị hóa vượt bậc của thành phố.
Theo đó, tốc độ tăng dân số khu vực đô thị thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,2%/năm. Kinh tế thành phố chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế đô thị, đến năm 2020 đóng góp cho tỉnh khoảng 66% tổng giá trị thương mại dịch vụ, 38% giá trị hàng hóa xuất khẩu, trên 23% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,8 lần bình quân chung của cả tỉnh, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là đầu tầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Yên Bái Đỗ Đức Minh nhận định: "Những thách thức mới nảy sinh trong quá trình đô thị hóa đặt ra cho thành phố Yên Bái những yêu cầu mới cao hơn, cấp bách hơn, đòi hỏi thành phố thực sự bứt phá, khẳng định rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực phát triển của tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố xác định phát triển đô thị thành phố Yên Bái "xanh, bản sắc, hạnh phúc” là một trong ba chương trình trọng điểm của địa phương. Mục tiêu xây dựng thành phố Yên Bái sớm trở thành đô thị loại II - xanh, bản sắc và hạnh phúc”.
Đảng bộ thành phố định hướng tập trung đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa bên phía hữu ngạn sông Hồng, phát triển các khu đô thị mới, có tính biểu tượng dọc hai bên sông, gắn với nâng cao chất lượng các tiện ích đô thị; phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng xanh và bền vững, theo mô hình "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ cao để phát triển công nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040 đã được tỉnh công bố.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch thành phố Yên Bái bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố; một phần của huyện Trấn Yên (gồm các xã Bảo Hưng, Minh Quân, Việt Cường, Vân Hội, một phần xã Y Can) và một phần huyện Yên Bình (gồm thị trấn Yên Bình, xã Đại Đồng, xã Thịnh Hưng, xã Phú Thịnh) với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng gần 32.000 ha. Dân số hiện tại khu vực lập quy hoạch trên 142.000 người; dự báo đến năm 2030 khoảng 205.000 người, đến năm 2040 khoảng 260.000 người. Tỉnh xác định đây là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị; phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái và vùng phụ cận thuộc huyện Yên Bình và huyện Trấn Yên, từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân.
Trên cơ sở lấy chất lượng đô thị làm trọng tâm; phát triển mở rộng thành phố Yên Bái ra vùng phụ cận, trong đó xây dựng các xã Văn Phú, Tân Thịnh và Giới Phiên trở thành phường, hướng tới mục tiêu tương lai xây dựng "thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại I”.
Minh Thúy