Giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới từ phát triển chăn nuôi ở Trấn Yên trong một vài năm trở lại đây đã được khẳng định, nhưng cái được lớn hơn cả là đã có bước chuyển đổi căn bản từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Đổi mới mô hình sản xuất theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và liên kết trong sản xuất được quan tâm đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị.
Ngoài sự nỗ lực của người dân, Trấn Yên còn vận dụng linh hoạt và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô, hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Trong 5 năm, huyện đã hỗ trợ phát triển mới 402 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, vượt gấp 4 lần so với mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu tăng 100 cơ sở), nâng tổng số lên 618 cơ sở chăn nuôi hàng hóa (gia cầm 324 cơ sở; chăn nuôi lợn 243 cơ sở; chăn nuôi trâu, bò 38 cơ sở; chăn nuôi thỏ 13 cơ sở).
Nhờ vậy, tổng đàn gia súc chính đạt 54.700 con, đàn gia cầm 1,15 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 9.000 tấn, tăng 47% so với năm 2015. Các cơ sở chăn nuôi lợn, gà theo quy mô tập trung, quy mô hộ gia đình phát triển nhanh, hiện có 4 trang trại nuôi lợn thịt và lợn nái hậu bị theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp thông qua hình thức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: Doanh nghiệp Hòa Phát tại thôn Đồng Bằng 3 - xã Lương Thịnh, chăn nuôi lợn công nghệ cao với quy mô 1.500 con lợn nái/ lứa và 10.000 con lợn thịt/ lứa.
Bên cạnh đó còn hàng chục cơ sở chăn nuôi lợn tập trung ứng dụng công nghệ cao nuôi lợn nái hậu bị và lợn thịt với quy mô 2.000 con/ lứa trở lên.
Đối với chăn nuôi gia cầm, phần lớn các hộ chăn nuôi tập trung có quy mô từ 1.000 con/ lứa trở lên đều tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán, xây dựng cơ sở chăn nuôi gà tập trung với diện tích gần 2 ha, quy mô nuôi 45.000 con/lứa.
Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng liên kết với 70 hộ chăn nuôi gia cầm tập trung để cung ứng con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi tại các xã. Hiện nay, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm với quy mô 180.000 con của 45 hộ và 1 HTX chăn nuôi tập trung tại 7 xã: Minh Quán, Hòa Cuông, Nga Quán, Cường Thịnh, Quy Mông, Y Can, Hưng Thịnh. Đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp MQ và doanh nghiệp gà đồi Yên Bái đã được chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở an toàn sinh học trong chăn nuôi với sản phẩm gà thương phẩm.
Bên cạnh đó còn có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung với quy mô nuôi 130.000 con/lứa.
Có thể nói, hoạt động của các cơ sở chăn nuôi tập trung đã mang lại hiệu quả cao và góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô tập trung theo hướng hàng hóa; hình thành và phát triển các cơ sở chăn nuôi theo trang trại, gia trại và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong năm 2020 này và những năm tiếp theo, Trấn Yên tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y.
Huyện cũng tập trung rà soát đánh giá, điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng từ quy mô hộ gia đình chuyển sang hình thức chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất của các HTX, tổ hợp tác; phấn đấu đến năm 2025 đàn gia súc chính đạt 110.000 con và đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Ngọc Trúc