Văn Yên có hệ thống giao thông thuận lợi cùng nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; du lịch văn hóa lịch sử cách mạng gồm: đền Nhược Sơn xã Châu Quế Hạ, đình Cả Mường A; du lịch tâm linh gồm: đền Đông Cuông, đền Trạng, đền Thánh Mẫu, đền Đại An…; lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Lễ hội tết rừng của dân tộc Mông, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ khui xi mờ của dân tộc Phù Lá.
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, thời gian qua, huyện đã chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch; quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Huyện đã quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các làng nghề tại 5 xã gồm: Phong Dụ Thượng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Quang Minh và Đông Cuông.
Xây dựng quy hoạch tổng thể 6 khu di tích gồm: đền Đông Cuông, xã Đông Cuông quy mô 30 ha; đền Trạng, xã Yên Thái 1,48 ha; đình Yên Dũng, xã Yên Hợp 2,92 ha; đền Thánh Mẫu, xã Mậu Đông 0,41 ha; đền Gò Chùa, xã An Thịnh 0,69 ha và đình Mường A, xã Ngòi A 0,33 ha.
Tuy nhiên, tỷ trọng ngành du lịch đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Yên thời gian qua còn ít, quy mô và hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.
Để khắc phục những hạn chế, từng bước đưa ngành du lịch đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI đã đề ra về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, UBND huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng ngành du lịch theo hướng phát triển du lịch mang tính bền vững, lấy du lịch sinh thái, văn hóa, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực làm chủ đạo; đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động dịch vụ thương mại, gắn kết liên ngành, liên vùng, kết hợp tốt giữa các thành phần kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, thu hút ngày càng nhiều du khách đáp ứng cầu nhu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bền vững và hài hoà xã hội.
Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Để phấn đấu mục tiêu năm 2020, đón và phục vụ 700.000 lượt khách, trong đó 699.000 lượt là khách nội địa và 1.000 lượt khách quốc tế, phấn đấu doanh thu đạt 105 tỷ đồng, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng làng nghề, khu du lịch cộng đồng; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch; giữ gìn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch; xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền quảng bá và tăng cường liên kết khu vực.
Giai đoạn 2016 – 2020, trên 300 tỷ đồng đã được đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, Nhà nước đầu tư trên 114 tỷ đồng vào xây dựng, tu sửa các di tích lịch sử cách mạng, xây dựng các làng nghề, quy hoạch cắm mốc chỉ giới các di tích, nâng cấp đường giao thông tại các khu du lịch; các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác đầu tư khoảng 186 tỷ đồng vào khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, làng nghề...
Để ngành du lịch phát triển mạnh hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện sẽ tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động giữa các cấp, các ngành và nhân dân trong phát triển du lịch ở địa phương, tập trung cao cho việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên ở mỗi địa phương, đơn vị.
Tiếp tục xây dựng cơ chế đầu tư, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên để các điểm du lịch, khu du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với địa phương.
Lê Thanh