Một địa điểm quen thuộc khi đến Mù Cang Chải ngắm lúa chín phải kể đến đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn. Trước đây, cung đường hơn 2 km từ đường lớn lên đến đồi Mâm Xôi là đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt mỗi khi trời mưa. Nhưng đến nay, con đường bê tông thay thế được hoàn thành với tổng đầu tư 3,7 tỷ đồng.
Huyện còn khuyến khích, vận động nhân dân trong xã xây dựng các khung cảnh đẹp từ thiên nhiên xung quanh địa điểm này như: trồng hoa, tạo hình lúa… nhằm tạo nhiều điểm đến, tránh nhàm chán, thu hút khách du lịch. Các tổ, đội xe ôm cũng được hình thành, tổ chức tập huấn trước mỗi mùa du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, tránh tình trạng chèo kéo khách.
Rừng trúc ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề cũng đang hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh bởi khung cảnh hùng vĩ được ví không kém phim cổ trang. Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, huyện đã tổ chức khảo sát thực địa để có những định hướng quy hoạch, phát triển du lịch cho địa điểm mới này.
Từ đó, chính quyền địa phương và nhân dân đã tổ chức cải tạo, tu sửa đường vào rừng trúc, làm lan can bằng trúc, xây dựng chỗ để xe cho khách du lịch. Bản cũng đã nhanh chóng thành lập đội xe ôm phục vụ việc đi lại cho du khách với thái độ văn minh lịch sự, không tự ý nâng giá. Các cơ quan chức năng xây dựng biển chỉ dẫn lên rừng trúc để hướng dẫn du khách đến đây tham quan.
Những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đường điện và các điều kiện cần thiết khác để khai thác các điểm du lịch, đặc biệt là tại các xã có ruộng bậc thang dọc quốc lộ 32, đường đến các điểm du lịch sinh thái của các khu bảo tồn sinh cảnh kết hợp với du lịch văn hóa đồng bào Mông của các xã; lập dự án, đầu tư kéo điện lưới lên đèo Khau Phạ phục vụ cho phát triển du lịch; bổ sung một số trạm phát sóng tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ; cải tạo và trồng mới hệ thống cây xanh dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn và trồng tập trung một số khu vực trong huyện phục vụ cho khách tham quan, du lịch.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hóa thực hiện mục tiêu phát triển du lịch như: mở rộng đường đến rừng trúc Mồ Dề, cải tạo đường khu vực rừng thông, thác Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình... Với cách đầu tư, cải tạo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các địa điểm du lịch, lượng khách du lịch đến với Mù Cang Chải ngày càng tăng, phấn đấu năm 2020, lượng khách du lịch sẽ tăng lên 200.000 lượt người, doanh thu từ du lịch đạt 100 tỷ đồng.
Với định hướng đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch "Bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, huyện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch bản sắc, mở rộng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường và bản sắc truyền thống địa phương. Huyện cũng quy hoạch xây dựng hệ thống cở sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch; lập quy hoạch chi tiết các điểm du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí.
Bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Huyện đang làm khá tốt việc thu hút khách nước ngoài, khách phượt, song để đạt được mục tiêu đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch thì huyện cần phải nâng cao các điều kiện du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch, không chỉ là trải nghiệm mà còn tham quan, khám phá. Để đáp ứng nhu cầu đó, huyện khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khai thác các địa điểm du lịch có tiềm năng, tạo cảnh quan đẹp, trồng nhiều các loại hoa đặc trưng, đầu tư các điểm có khung hình đẹp để tạo cảm hứng cho khách chụp ảnh, tham quan”.
Hoài Anh