Từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Qua đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%; lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng là 3,85%. Cụ thể, Quyết định số 1728/QĐ-NHNN đã chỉ đạo giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm…
Quyết định số 1729/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài), NHNN điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Quyết định số 1730/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế đã giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Có mặt tại một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động. Ví dụ, biểu lãi suất huy động của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn niêm yết ngày 6/10: lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (áp dụng đối với cá nhân) là 0,1%, kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng là 3,8%, từ 5 đến 8 tháng là 4,1%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam phát sinh trước ngày thông báo điều chỉnh lãi suất có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn.
Agribank Bắc Yên Bái đã áp dụng lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39.
Song song với việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay. Agribank Bắc Yên Bái đã áp dụng lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39 tối đa là 4,8%/năm (vay ngắn hạn) và tối thiểu 7,5%/năm (vay trung hạn); lãi suất cho vay theo các chương trình trợ lãi suất của Chính phủ, cũng ở mức 4,5%/năm (vay ngắn hạn), 7,5%/năm (vay trung và dài hạn).
Có thể khẳng định, chưa bao giờ lãi suất cho vay của các ngân hàng lại thấp như hiện nay, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp có điều kiện khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất sau những ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19. Giảm lãi suất cũng là một trong những giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Ông Bùi Trung Thu – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Hệ thống các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn chấp hành rất nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đặc biệt là việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi và cho vay. Khách hàng, trong đó tập trung là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần coi đây là cơ hội để chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn”.
Vấn đề đặt ra lúc này là doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được vay, nhất là các điều kiện để được hưởng mức lãi suất ưu đãi. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ không đi kèm với việc hạ điều kiện vay vốn.
Nói cách khác, Chính phủ hạ lãi suất cho vay nhằm tăng trưởng dư nợ sẽ thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, không có chuyện tăng trưởng tín dụng lại đi kèm với tăng nợ xấu và lạm phát tăng mạnh. Một vấn đề không thể không nói đến nữa là khả năng hấp thụ được nguồn vốn của các doanh nghiệp đến đâu.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 8 tháng đầu năm mới đạt 20.304 tỷ đồng, tăng 3,66% so với đầu năm; thời điểm này năm 2019, tốc độ tăng trưởng là 7%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 là 12 đến 14%. Thời điểm quý I/2020, tăng trưởng âm; sang quý II tín dụng mới bắt đầu phục hồi; gần đây lại có dấu hiệu giảm, cụ thể: tháng 7/2020, tín dụng tăng trưởng 173 tỷ đồng; tháng 8, tín dụng tăng chỉ tăng được 125 tỷ đồng - điều này là ngược với quy luật (cuối năm tăng trưởng tín dụng mạnh) và qua đó cho thấy sức phục hồi của nền kinh tế chưa đáng kể.
Giá vốn chiếm một tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu giá thành, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với khó khăn về nguyên liệu, nhất là khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Lãi suất thấp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn. Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất sẽ tác động một cách tích cực tức thì cho sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung, chắc chắn sẽ không xảy ra. Các chính sách nói chung và chính sách tài chính, tiền tệ nói riêng đều có độ trễ của nó.
Việc giảm lãi suất lúc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những tháng cuối năm và nhất là năm 2021. Các doanh nghiệp cần phải thấy được cơ hội của mình!
Lê Phiên