Để thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, huyện đã chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu hợp lý theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản theo hướng phát triển các sản phẩm theo hướng lợi thế, sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: vùng cây ăn quả trên 870 ha; tre măng 750 ha; lúa hàng hóa trên 500 ha; quế 4.000 ha; lạc 1.000 ha…
Huyện khuyến khích ưu tiên thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và hình thành việc ứng dụng trồng và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với những loại sản phẩm thương hiệu như: cam sành, vịt bầu, cá bỗng...
Những năm gần đây, Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm ban hành nhiều chính sách đặc thù ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: chương trình cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới; đề án phát triển chăn nuôi; xây dựng các điểm du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử (Lễ hội đền Đại Cại, đền Suối Tiên, hội hoa Khai Trung)… hàng năm, thu hút trên 300.000 lượt người tham quan, mang lại doanh thu gần 30 tỷ đồng/năm.
Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo là hàng năm, Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện đã kiện toàn hoạt động đến tất cả các xã, thị trấn; chủ động triển khai rà soát hộ nghèo, cận nghèo, gắn với lồng ghép các chương trình dự án, các nguồn lực đầu tư để xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Các chỉ tiêu tạo việc làm, ĐTN cho lao động nông thôn được thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, vay vốn tạo việc làm, mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp để người lao động sau khi học nghề có thể tìm được việc làm tại các công ty, doanh nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2016 -2020, huyện phối hợp với các cơ sở dạy nghề đã ĐTN cho 13.500 lao động nông thôn với nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, sửa chữa máy nông cụ…; nghề nông nghiệp gồm: chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, trồng nấm....
Qua đó, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động/năm. Hàng năm, từ nguồn ngân sách, huyện đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... Một số công trình có nguồn vốn đầu tư lớn là: đường Tân Lĩnh - Lâm Thượng; đường Mai Sơn - Lâm Thượng; đường thị trấn Yên Thế - Vĩnh Kiên…; trụ sở xã Khánh Hòa, Tân Lập, Mường Lai, Động Quan...
Hàng năm, từ Chương trình 135, đã hỗ trợ phát triển sản xuất với kinh phí trên 1 tỷ đồng gồm: hỗ trợ cây nông nghiệp như giống lúa, ngô lai, chăn nuôi trâu, bò, lợn nái, lợn thịt, gia cầm, vật tư làm chuồng trại, tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh…
Cùng với việc hỗ trợ cho phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Chính phủ như: hỗ trợ tiền điện, trẻ em dưới 6 tuổi thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí. Chính sách hỗ trợ về y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng cũng được đặc biệt quan tâm với gần 86.151 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Qua kết quả khảo sát, đánh giá mới đây, hiện nay, toàn huyện có 25.000 hộ nông dân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt 5,62%, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2020 xuống còn 6,04%. Một số xã có tỷ giảm nghèo nhanh là: Phúc Lợi, Tân Phượng, Động Quan, An Phú…
Chú trọng công tác hỗ trợ, tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới… đã góp phần cho bộ mặt nông thôn huyện Lục Yên từng bước được thay đổi, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, là tiền đề vững chắc để kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển.
Phong Sơn