“Vàng xanh” trên đất Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2020 | 7:55:14 AM

YênBái - So với cây nguyên liệu khác, quế là cây có giá trị hơn cả vì không bỏ đi bất kỳ thứ gì. Trồng quế cũng dễ hơn trồng keo, bồ đề vì cây dễ sống, ít sâu, bệnh. Trấn Yên là vùng trồng quế lớn thứ hai của tỉnh, với diện tích hơn 16.000 ha.

Nông dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thu hoạch quế.
Nông dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thu hoạch quế.

Gia đình ông Triệu Đức Hoan ở thôn Đồng Song, xã Kiên Thành gắn bó với cây quế từ nhiều đời nay. Hiện, gia đình ông có hơn 8 ha quế, đa phần có độ tuổi từ 5 - 15 năm. Quế là loại cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho gia đình ông Hoan cũng như hầu hết các hộ trong thôn, giúp gia đình ông sớm thoát nghèo, trở thành hộ giàu. 

Ông Hoan bộc bạch: "Quế tuy là cây lâu năm, nhưng ở đất Kiên Thành lớn rất nhanh và sau 5 năm trồng là đã có thu nhập từ tỉa cành, tỉa thưa lấy không gian cho những cây đẹp phát triển… Vì vậy, gần chục năm nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng từ cây quế". 

"So với cây nguyên liệu khác, quế là cây có giá trị hơn cả vì không bỏ đi bất kỳ thứ gì. Trồng quế cũng dễ hơn trồng keo, bồ đề vì cây dễ sống, ít sâu, bệnh. Cây quế lại có khả năng tái sinh sau chu kỳ khai thác và nếu chăm sóc tốt thì từ năm thứ 5 trở đi cây đã cho thu hoạch đều” - ông Hoan nói. 

Ngay từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, cây quế đã góp phần đổi đời cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Thành. Do đó, nhiều năm qua xã đặc biệt quan tâm phát triển cây quế. Nhờ quế, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Kiên Thành có diện tích tự nhiên hơn 8.600 ha, riêng diện tích quế có hơn 2.700 ha, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Song, Đồng Phay, Đồng Cát, Đá Khánh. 

Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cây quế trồng từ 4 - 6 năm bắt đầu cho khai thác tỉa thưa; mỗi năm có 2 vụ khai thác và vụ tháng 3, tháng 8 là thời điểm dễ bóc vỏ, thuận tiện cho khai thác, vận chuyển, bảo quản. Năm nay, quế được giá và 1 kg vỏ quế tươi có giá từ 20.000 - 28.000 đồng tùy theo loại quế A,B,C xếp theo độ tuổi, độ dày của vỏ”.

Giống như Kiên Thành, xã Hồng Ca có hơn 90% dân số là đồng bào Tày, Mông. Bên cạnh cây tre măng Bát độ thì quế là loại cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính cho đại bộ phận người dân. Đến nay, xã có hơn 2.000 ha quế được trồng tập trung nhiều ở các thôn: Liên Hiệp, Hồng Hải, Nam Hồng, Bản Khun. 

Đặc biệt, gần đây cây quế được phát triển mạnh ở các thôn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: Hồng Lâu 132 ha, Khe Tiến 107 ha, Khuôn Bổ 85 ha và Khe Ron 80 ha. Cây quế vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa giúp người dân định canh, định cư xóa bỏ tình trạng phá rừng làm nương rẫy. 

Ông Phạm Xuân Toàn - Bí thư Đảng ủy Hồng Ca xã khẳng định: "Là xã có diện tích tự nhiên lớn, có đồng bào dân tộc thiểu số; vì vậy, kinh tế rừng được xã coi là chủ lực và trong kinh tế rừng thì cây quế là cây mũi nhọn. Mỗi năm, xã thu nhập trên 30 tỷ đồng từ làm vườn ươm cây giống, thu hoạch quế thương phẩm và sơ chế các sản phẩm từ quế. Nhờ đó, năm 2019, Hồng Ca đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người dự ước hết năm 2020 tăng lên 36 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%”.

Trước đây, cây quế ở Trấn Yên chỉ tập trung ở một số xã vùng cao (khu vực đồng bào Dao, Tày). Hơn chục năm về đây, cây quế trở thành cây trồng có giá trị cao và đa lợi ích nên được người dân các xã, thị trấn lựa chọn phát triển kinh tế rừng. 

Ngoài ra, huyện giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các địa phương khảo sát, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp để trồng quế; đồng thời, ươm giống cung cấp, hướng dẫn nông dân chuẩn bị đất, kỹ thuật trồng. 

Đến nay, toàn huyện có 16.100 ha quế, tập trung nhiều ở các xã: Tân Đồng 1.914 ha, Kiên Thành 2.742 ha, Hồng Ca hơn 2.004 ha, Y Can 2.080 ha, Lương Thịnh 1.721 ha, Hòa Cuông 880 ha… Mỗi năm, người dân trong huyện trồng mới và trồng thay thế hơn 1.000 ha quế. 

Để tạo mối liên kết giữa người trồng với cơ sở chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ quế, huyện đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như: hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. 

Cùng đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ quế. Đến nay, trên địa bàn có hàng chục cơ sở chưng cất tinh dầu quế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã gia công, sơ chế, kinh doanh quế vỏ. 

Đặc biệt, Hợp tác xã Quế hồi (xã Đào Thịnh) đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm quế chất lượng cao để xuất khẩu. Ngoài ra, có hàng trăm cơ sở thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế; hàng trăm cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống quế... Sản lượng tinh dầu quế hàng năm toàn huyện đạt trên 20 tấn, sản lượng khai thác ước đạt trên 4.000 tấn vỏ khô và hàng chục nghìn mét khối gỗ. 

Cây quế không những góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn, mà còn đóng góp tích cực nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,72%.  

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Cùng đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại địa phương; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế; tư vấn, hỗ trợ, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các thị trường khó tính; từ đó, nâng cao giá trị cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Dũng

Tags Trấn Yên Hồng Ca Kiên Thành cây quế vàng xanh

Các tin khác
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Yên Bái.

Các chỉ số: huy động vốn, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp. Hết tháng 9, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 28.924 tỷ đồng, tăng 5,44% so với 31/12/2019.

Theo Cục Thuế tỉnh, 10 tháng năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt 2.302 tỷ đồng (riêng tháng 10, thực hiện 331,6 tỷ đồng), bằng 70% dự toán tỉnh giao, 64% so với chỉ tiêu phấn đấu và bằng 109% so với cùng kỳ.

Nông dân Văn Chấn trồng dưa hấu vụ đông.

Huyện Văn Chấn phấn đấu gieo trồng 1.140 ha cây vụ đông/ Hỗ trợ 5 giấy chứng nhận VietGAP/ Trồng 20 ha chè Shan giâm cành vùng cao.

Lực lượng kiểm lâm huyện bàn phương án tuần tra bảo vệ rừng mùa khô hanh.

Qua công tác tuần tra, kiểm tra, Hạt đã phát hiện xử lý 19 vụ vi phạm, tịch thu 8,752 m khối gỗ xẻ, gỗ tròn các loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục