Nhờ vậy, bức tranh KTTT, HTX có những chuyển biến tích cực cả về số lượng đến chất lượng, khẳng định vai trò trong sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh phấn khởi cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, Yên Bái đã quan tâm, chỉ đạo cũng như có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. HĐND tỉnh có Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND về củng cố, phát triển HTX, tổ hợp tác giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030… Nhờ vậy, KTTT, HTX trên địa bàn phát triển mạnh, số lượng HTX, tổ hợp tác tăng theo từng năm, phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng hoạt động được nâng lên.
Các HTX hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào hỗ trợ kinh tế hộ thành viên và là bà đỡ cho hộ dân nông thôn.
HTX tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và các thành viên với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, HTX đã huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn - ông Đạo thông tin thêm.
Ngoài các chủ trương, chính sách đã ban hành, Yên Bái khuyến khích phát triển KTTT, HTX nhanh, bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, góp phần hình thành chuỗi giá trị gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
5 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi, thành lập mới 465 HTX, tăng 141 HTX so với năm 2016.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm, ngư nghiệp 279 HTX, chiếm 63,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 82 HTX, chiếm 17,6%; thương mại, dịch vụ 67 HTX, chiếm 14,4%, còn lại là HTX xây dựng, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân…
HTX thu hút trên 28.000 thành viên, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động. Doanh thu bình quân HTX đạt 2,1 tỷ đồng, lãi bình quân đạt 430 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân người lao động đạt 55 triệu đồng/người/năm. Đóng góp từ KTTT, HTX vào ngân sách nhà nước hàng năm đạt trên 36 tỷ đồng.
Những con số trên là minh chứng cho thấy KTTT, HTX đã có những chuyển biến rõ nét, theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ, phát triển đồng đều từ vùng thấp đến vùng cao. Các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ.
Thông qua cung ứng dịch vụ, việc làm, nhất là HTX nông nghiệp còn đóng vai trò là bà đỡ của bà con xã viên. Ngày càng có nhiều mô hình HTX kiểu mới thực hiện liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra theo hợp đồng dịch vụ, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ tự sản, tự tiêu.
Đặc biệt, quan hệ giữa HTX và thành viên thể hiện được rõ sự bình đẳng, dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh.
Để khẳng định rõ hơn vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác.
Các HTX cần đa dạng và hình thành nhiều hơn các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia là doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái.
Thanh Phúc