Thuế phí nào khiến xe hơi "đội giá" mạnh nhất?
Hiện có 4 loại thuế phí đang chi phối giá xe hơi tại Việt Nam, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ.
Đối với doanh nghiệp ô tô, thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện, thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí thuê mặt bằng, chạy quảng cáo cũng được tính hết vào giá xe.
Riêng đối với xe nhập khẩu, Việt Nam đang áp dụng từ 56% đến 74% thuế suất thuế nhập khẩu/giá khai báo xe hơi nhập nguyên chiếc về Việt Nam từ các thị trường xe trên thế giới. Riêng các nước ASEAN, như Thái Lan, Indonesia, do Việt Nam và các nước đã thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ năm 2015 nên Việt Nam bỏ thuế nhập xe hơi nguyên chiếc từ các nước ASEAN hồi năm 2018.
Các dòng xe của Đức, Pháp, Nhật, Ý, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập rất cao từ 56% đến 74% giá trị xe, khiến giá bán xe tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/chiếc.
Đối với những mẫu xe từ ASEAN, không phải chịu thuế nhập khẩu từ 30-40% như trước năm 2018. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ thị trường nên các doanh nghiệp nhập xe vẫn duy trì mức giá bán xe cao.
Đối với xe lắp ráp trong nước, trước khi Nghị định 57/2020 của Chính phủ, các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi vẫn phải nộp thuế nhập linh kiện về lắp ráp trong nước. Mức thuế suất trung bình là 30% đến 45% tùy theo loại linh kiện hoặc cụm linh kiện xe hơi nhập khẩu về Việt Nam.
Thông thường, theo các doanh nghiệp xe hơi, mức thuế nhập khẩu linh kiện khiến họ gặp khó vì đội chi phí sản xuất lên cao, trong khi sản phẩm cùng loại ở trong nước không sản xuất hoặc khó đáp ứng theo chuỗi của doanh nghiệp ô tô.
Một loại thuế mà các mẫu xe dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam đều phải nộp là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đây có lẽ là loại thuế ảnh hưởng lớn, khó thay đổi ở Việt Nam. Hiện mức thấp nhất áp dụng cho mẫu xe có dung tích xy lanh dưới 1.5L là 35% và cao nhất là 150% đối với xe có dung tích xy lanh cao trên 6.0L.
Các loại xe hơi dù được sản xuất trong nước, nhập khẩu về Việt Nam đều phải nộp thuế này. Với mức thuế áp dụng tăng lũy tiến theo dung tích, người mua xe có dung tích xy lanh từ 2.5L trở lên sẽ cảm nhận được sức nặng của chính sách thuế này lên giá bán. Đây cũng là lý do, các mẫu xe ở Việt Nam thường đắt hơn so với các mẫu tương tự tại các nước khác.
Là sắc thuế điều chỉnh hành vi tiêu dùng, gián thu vào người mua hàng, thuế tiêu thụ đặc biệt trở thành công cụ để hạn chế tiêu dùng, tăng ngân sách, hạn chế nhập siêu... Tuy nhiên, đây là chính sách được nhiều nước bãi bỏ đối với xe có dung tích xy lanh nhỏ, công suất thấp, đặc biệt đối với những nước khuyến khích sản xuất xe hơi cá nhân như Úc, New Zealand, Philippines...
Loại thuế phí cuối cùng là phí trước bạ. Hiện mức thuế trước bạ thông thường là 10% đến 12%. Thời gian qua, Chính phủ đã miễn giảm 50% phí trước bạ cho người mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước khiến người mua xe được lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Chính sách thuế thời gian tới thay đổi ra sao?
Đối với xe lắp ráp trong nước, hiện thuế phí nặng nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt, với bình quân từ 35-60% cho xe có dung tích từ 1.0L đến 2.5L.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe hơi cũng đối mặt với chi phí kinh doanh như thuê mặt bằng, quảng cáo và đặc biệt là tỷ lệ tồn kho. Trong khi đó, những chính sách họ được hưởng là thuế nhập khẩu linh kiện được bãi bỏ đối với doanh nghiệp đủ điều kiện.
Đối với xe hơi tại Việt Nam, để giảm giá, mở rộng khách hàng, các hãng xe phải mở rộng quy mô sản xuất cho từng dòng xe, mẫu xe.
Hiện Chính phủ đang đốc thúc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bên liên quan xây dựng chính sách nhằm cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe trong nước, có dung tích thấp.
Nếu doanh nghiệp muốn giảm giá xe để tăng doanh số, các chi phí kinh doanh bắt buộc phải cắt giảm hay chuyển phương thức bán hàng từ đại lý trực tiếp sang các kênh bán online, bán qua app hoặc kênh liên kết với ngân hàng...
Với chính sách cắt bỏ thuế nhập, hiện xe từ Thái, Indonesia đã có cơ hội giảm giá, tri ân khách hàng Việt. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, việc giảm giá vẫn chưa tương ứng với mức giảm thuế.
Việt Nam hiện vẫn được các hãng xe đánh giá là thị trường ô tô giàu tiềm năng và "nóng" nhất khu vực. Tỷ lệ người sử dụng xe hơi trên đầu người tại Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong các nước ASEAN. Theo thống kê năm 2019, chỉ có 23/1.000 người Việt sở hữu xe hơi.
Chính vì vậy, muốn giảm giá xe hơi, cần gia tăng quy mô thị trường, bởi lợi thế quy mô sẽ khiến cho giá một số mẫu xe, dòng xe giảm nhanh, tốt cho người tiêu dùng Việt và cả cho hãng xe hơi.
(Theo Dân Trí)