Tham dự có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện liên quan thuộc Bộ NN-PTNT; đại diện Trung tâm Khuyến nông và nông dân năm tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang.
Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến hết năm 2019, diện tích bưởi trên cả nước đạt gần 98 nghìn ha, sản lượng hơn 818 nghìn tấn. Trong đó, trung du miền núi phía bắc (TDMNPB) chiếm 28% diện tích bưởi cả nước, đứng thứ hai sau đồng bằng sông Cửu Long. 10 năm gần đây, diện tích, sản lượng bưởi cả nước và các tỉnh phía bắc liên tục tăng. Các tỉnh TDMNPB có diện tích bưởi lớn là: Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, sản lượng bưởi gần 165 nghìn tấn/năm, chiếm 40,6% sản lượng bưởi miền bắc. Trong sản xuất hiện nay, người dân chủ yếu trồng ba loại bưởi: Da xanh, Năm roi, bưởi Diễn.
Việt Nam là một trong những nước trồng bưởi lớn trên thế giới. Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay việc chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng của nước ta còn rất hạn chế, chưa có doanh nghiệp chuyên chế biến quả có múi; diện tích bưởi phát triển nhanh; diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng, chu kỳ khai thác của bưởi; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; mối liên kết giữa người trồng bưởi và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, giá cả không ổn định và chưa cao…
Tại Diễn đàn, đa số các đại biểu đều cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây bưởi theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải làm tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ phát triển, thành lập các hợp tác xã; chú trọng xây dựng các công trình, hạ tầng kinh tế phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả có múi nói chung và vùng trồng bưởi nói riêng như: đường giao thông; hệ thống thủy lợi; chợ, các điểm thu mua nông sản; nhà máy sản xuất phân bón; nhà máy chế biến nông sản tại chỗ…
Theo ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, để đẩy mạnh việc tiêu thụ bưởi cần tập trung mở rộng và phát triển thị trường tiềm năng tại các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên (đặc biệt các thành phố lớn, người dân có mức thu nhập trung bình trở lên và có du lịch phát triển); khuyến kích thành lập các tổ hợp tác để thực hiện liên kết trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, trao đổi, học tập kinh nghiệm, phòng tránh những rủi ro trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp thu hút, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả bưởi cho nông dân...
Còn ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang cho rằng: để nâng cao giá trị của cây bưởi phải chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng theo quy hoạch, phát triển sản xuất thành vùng tập trung để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý về giống cây trồng trên địa bàn, bảo đảm nguồn giống tốt, chất lượng sạch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học; điều chỉnh năng suất phù hợp với tuổi cây, sức cây tránh khai thác quá mức đẫn đến kiệt cây, làm cây yếu và dễ nhiễm các đối tượng dịch hại…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh thời gian tới, các tỉnh có diện tích trồng bưởi trong khu vực cần làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, cung vượt quá cầu; đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân về giống cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh việc sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn để hướng tới việc xuất khẩu ra nước ngoài; đặc biệt chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết trong việc tiêu thụ, tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị lớn…
(Theo Nhân Dân)