Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh: Nghị quyết số 55-NQ/TW đã xác định quan điểm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn, đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Theo tính toán, 10 năm tới, nước ta cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng một nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.
Từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA ngày càng hẹp. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…
Nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế rất lớn, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam. Nhưng cũng như các hàng hóa khác, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ, đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ. Đặc biệt vốn cũng như các hàng hóa khác, được giao dịch theo các mức giá khác nhau. Giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư, rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao, và ngược lại. Vì vậy, để khơi thông được nguồn vốn quốc tế quan trọng này, Ban Kinh tế T.Ư tiến hành những nghiên cứu cụ thể về cơ chế vận hành, các điều kiện và cách tiếp cận, thu hút dòng vốn này trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế kết hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Tham dự và trình bày tại hội thảo là các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luật, năng lượng đến từ các công ty Astris Finance, Hogan Lovells, Moody's, GE Capital, DFC, Marubeni, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương (Vietinbank).
Các diễn giả tập trung tham luận một số chủ đề như khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong Hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; tham gia của ngân hàng địa phương vào các dự án huy động vốn quốc tế; những chuẩn mực cần có trong Hợp đồng mua bán điện để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện độc lập; cụ thể các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và cách thức phân bổ rủi ro trong Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; kinh nghiệm đầu tư các dự án điện độc lập tại Trung Đông và Indonesia (Hợp đồng mẫu PPA); chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam…
Bên cạnh các tham luận, các đại biểu đã trao đổi về những cơ chế, chính sách liên quan đến việc huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập.
Ban Kinh tế T.Ư tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để tổng hợp và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, góp phần đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống.
(Theo Nhân Dân)