Trong năm, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 81 lớp, 4.410 nhóm hộ cho 34.245 lượt người, đạt 107% kế hoạch.
Đơn vị phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn 14 lớp, 420 lượt người tại 13 xã về chăn nuôi thú y, nuôi cá nước ngọt, trồng trọt và bảo vệ thực vật; in và cấp phát 20.835 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu kỹ thuật cho nông dân, đạt 104,2% kế hoạch.
Các mô hình trên địa bàn đều được triển khai thực hiện hiệu quả như: Đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy sắn ủ với chế phẩm men vi sinh Emic tại 8 xã vùng sắn, diện tích thực hiện 270 ha/250 ha hiện sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch; Đề án nhân rộng giống sắn BK tại xã Lang Thíp, Châu Quế Hạ diện tích 20 ha sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch.
Ngoài ra, đơn vị đã thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, vụ hè thu, vụ đông. Đội ngũ khuyến nông viên của Trung tâm luôn bám sát cơ sở, tham mưu giúp việc hiệu quả cho UBND các xã, thị trấn về sản xuất nông - lâm nghiệp và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.
Qua đó đã tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng mới 105 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp. Trung tâm đã thực hiện 2 mô hình "Dân vận khéo” bước đầu cho hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là: mô hình trồng cây ăn quả 5.000 m vuông tại xã Mậu Đông; mô hình chăn nuôi vịt thịt tại xã Đông An quy mô 600 con/lứa.
Các chương trình, mô hình được giao theo Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 210-KH/HU ngày 10/01/2020 của Huyện ủy Văn Yên, tái cơ cấu ngành gồm: Đề án trồng tre măng Bát độ thực hiện 50 ha/50 ha, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng thực hiện 2.860 ha, đạt 100% kế hoạch; Đề án phát triển cây ăn quả có múi thực hiện 80 ha/80 ha, đạt 100% kế hoạch; Đề án trồng dâu nuôi tằm thực hiện 23,7 ha/125 ha, đạt 18,96%; Đề án phát triển chăn nuôi thực hiện 17/17 cơ sở, đạt 100% kế hoạch.
Chương trình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm sắn gắn với canh tác bền vững trên đất dốc, diện tích 200 ha tại 5 xã vùng nguyên liệu phát triển tốt, đang chuẩn bị thu hoạch và đã thành lập được 7 tổ hợp tác sản xuất sắn.
Trong năm, Trung tâm thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện sâu bệnh trên đồng ruộng và cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; ban hành kịp thời 13 dự báo, thông báo sâu bệnh hại cây trồng và biện pháp phòng trừ; tư vấn trực tiếp cho trên 200 hộ dân về phòng trị sâu bệnh hại cây trồng.
Công tác phòng chống và khống chế dịch lở mồm long móng, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, thụ tinh cho trâu và bò, kiểm dịch vận chuyển động vật, giám sát mẫu xét nghiệm vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại chăn nuôi lớn tập trung, phun tiêu độc khử trùng, ký cam kết chăn nuôi, tuyên truyền và vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đều bảo đảm kế hoạch, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp theo kế hoạch. Đồng thời, đơn vị tham mưu các biện pháp kỹ thuật đối với tái cơ cấu ngành, sản xuất chuỗi giá trị, các sản phẩm OCOP và các nhiệm vụ liên quan đến sản xuất nông - lâm nghiệp địa phương”.
Nguyễn Thơm