Cần khẳng định, thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, với tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt khá; chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo đúng hướng; kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống của nhân dân nông thôn ngày càng nâng cao.
Dẫu vậy, Yên Bái vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vốn có của một tỉnh miền núi, đa thành phần dân tộc, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp; kết cấu hạ tầng còn thiếu... cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Quan điểm của tỉnh đối với phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trong những năm tới được xác định chú trọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và bền vững, gắn với chế biến sâu; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại theo hướng chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phát huy hiệu quả lợi thế đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đi đôi với phát triển các sản phẩm đặc sản, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025 là tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 20,50% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 320.000 tấn; phấn đấu đến năm 2025 có thêm 47 xã được công nhận nông thôn mới, có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Yên Bình và Văn Yên; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2020...
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đồng thời, triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận.
Tỉnh Yên Bái đã đề ra một số giải pháp, nhóm giải pháp trọng tâm về cơ chế chính sách, vốn, tổ chức sản xuất, công nghệ sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm... mang tính đột phá thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, giải pháp quy hoạch, thực hiện rà soát phân vùng cho các sản phẩm hàng hóa, tập trung chuyên canh và sản phẩm đặc sản, bản địa như: vùng sản xuất lúa, gạo hàng hóa và đặc sản; vùng chè tập trung, hàng hóa và vùng chè đặc sản; vùng trồng dâu nuôi tằm; vùng trồng rừng gỗ lớn; vùng trồng cây dược liệu; vùng trồng cây ăn quả hàng hóa và đặc sản; vùng phát triển chăn nuôi tập trung... theo điều kiện tiềm năng, thế mạnh từng vùng, từng địa phương của tỉnh.
Rà soát, chuyển đổi những diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo hướng tập trung, liền vùng, liền khoảnh.
Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định hướng đến năm 2025, hình thành vùng sản xuất hoa 150 ha; sản xuất rau an toàn 300 ha; sản xuất giống lúa 700 ha; cây ăn quả lâu năm 1.500 ha; chè 3.900 ha; sản xuất thủy sản thương phẩm 200 ha; chăn nuôi lợn nái 20.000 con; chăn nuôi lợn thịt 160.000 con; chăn nuôi bò thịt 60.000 con và vùng nhân giống, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu 5 ha.
Giải pháp về tổ chức sản xuất, thực hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết, tiếp tục đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.
Có chính sách khuyến khích phát triển mạnh các mối liên kết ngang giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn.
Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp; phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị; đẩy mạnh liên kết vùng trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và cả nước.
Giải pháp về công nghệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo hướng cơ giới và tự động hóa được tối đa các khâu sản xuất và chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm như tinh dầu quế, các sản phầm chè xanh, chè đen, chè ô long, măng tre Bát độ; gỗ rừng trồng, gạo đặc sản...
Thu hút các nhà đầu tư liên kết cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn liền với các vùng sản xuất hóa, chuyên canh của tỉnh như vùng lúa đặc sản, tre măng Bát độ, gỗ rừng trồng, vùng chè, vùng quế...; cắt giảm các khâu trung gian trong chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong liên kết tiêu thụ sản phẩm theo tổ hợp tác, hợp tác xã, khuyến khích doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói bao bì, tem nhãn; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn liền với văn hóa địa phương và du lịch sinh thái của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: tỉnh đã có các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển sản phẩm nông nghiệp đảm bảo về chất lượng, theo nhu cầu thị trường, hài hòa hai mục đích là phát triển kinh tế tăng thu nhập bền vững cho nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và yêu cầu đặt ra của thực tiễn sản xuất trong giai đoạn mới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh trong nhiệm kỳ tới, cần thiết phải xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, chuyên canh, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Gắn chặt sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ của tỉnh.
Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất, chế biến sâu; đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm...
Xác định lâm nghiệp phải là thế mạnh của Yên Bái, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn để phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu: kinh tế, xã hội, môi trường; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp lên 37% vào năm 2025; đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC.
Quy hoạch lại, tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các loại cây gỗ lớn, lâm đặc sản, cây ăn quả, quế... gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng.
Thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, tỉnh chỉ đạo cần bảo vệ nghiêm ngặt 19.500 ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn; diện tích gieo trồng ngô đạt 28.500 ha; vùng chuyên rau đạt diện tích 410 ha; phát triển diện tích cây ăn quả đạt 11.000 ha; giữ ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 65%, trồng rừng hàng năm đạt trên 15.000 ha; vùng rừng gỗ lớn đạt diện tích trên 40.000 ha; vùng rừng gỗ nguyên liệu đạt diện tích trên 100.000 ha…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hàng năm tỉnh sẽ bố trí trên 300 tỷ đồng.
Với những giải pháp đồng bộ, căn cơ, mang tính đột phá phát triển; sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các cấp các ngành, chính quyền cơ sở và người dân sẽ đưa nông nghiệp Yên Bái ngày một phát triển, bắt kịp xu thế, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế.
Mục tiêu trước mắt giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng.
Minh Thúy