Dù là hộ trồng bưởi lâu năm, nhưng trước đây gia đình chỉ canh tác theo kinh nghiệm nên mẫu mã, chất lượng bưởi chưa được tốt, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, từ khi bưởi Đại Minh được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình tham gia sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị từ cây bưởi được nâng lên.
Ông Định cho biết: "Ngoài việc rễ cây khỏe, bám chắc hơn, quả mẫu mã to, đẹp hơn, để được lâu hơn thì hiện nay sản phẩm bưởi OCOP của chúng tôi còn được doanh nghiệp bao tiêu phân phối tại các siêu thị trong nước. Sau hơn 1 năm tham gia, tôi thấy thị trường được mở rộng hơn và thu nhập của người trồng bưởi cũng được nâng lên”.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết, đến nay, toàn huyện xây dựng được 5 chuỗi giá trị, 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào các sản phẩm đặc sản chủ lực như: cá hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà….
Từ các sản phẩm này, người dân của huyện có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và góp sức XDNTM, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 12/22 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%.
Còn tại huyện Văn Chấn, từ khi các sản phẩm Trà táo mèo Shan Thịnh và Xịt massage Quốc Kỳ của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia được công nhận là sản phẩm OCOP, Công ty đã chủ động liên kết với các địa phương của huyện và vùng lân cận, mở rộng các kênh thu mua sản phẩm nguyên dược liệu và táo mèo tươi, tạo ra chuỗi hàng hóa tiêu thụ ổn định cho người dân. Đồng thời, xúc tiến việc trồng thử nghiệm các cây dược liệu đạt hiệu quả cao tiến tới triển khai trồng đại trà, tạo ra vùng dược liệu có chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, mỗi năm Công ty tiêu thụ hàng trăm tấn quả táo mèo (sơn tra) tươi và trên dưới 15 tấn dược liệu cho đồng bào các dân tộc trong huyện và 2 huyện vùng cao là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, giúp người dân vùng cao có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo từ chính những cây trồng bản địa lâu đời nơi đây.
Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2030 xác định từ năm 2019 - 2020 phấn đấu chuẩn hóa 20 sản phẩm trong đó 3-5 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao; năm 2020 có 15 sản phẩm, phát triển từ 1 - 2 mô hình du lịch nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch…
Từ năm 2021 - 2025, đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm; trong đó, đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương bám sát các nội dung Đề án triển khai thực hiện trong năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo một cách hiệu quả. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình; các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt Chương trình OCOP.
Ngoài ra, tỉnh đã ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình để phát triển sản phẩm OCOP; quan tâm nguồn vốn cho hỗ trợ về khoa học và công nghệ để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm; triển khai cơ chế đặc thù ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong và ngoài tỉnh; mời gọi, tổ chức các hội chợ thường niên giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh Yên Bái có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản mang tính bản địa cao như: tuyết Sơn Trà, trà táo mèo Shan Thịnh (huyện Văn Chấn); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình); miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); mật ong tự nhiên Mù Cang Chải…
Qua đánh giá, việc triển khai đồng bộ chương trình OCOP và các dự án, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đã tạo nên diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đến tháng 10/2020, tỉnh Yên Bái đã có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới với mức thu nhập bình quân của người dân đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 giảm 6,12%, còn 11,56%, dự kiến sẽ giảm còn 7,56% vào cuối năm 2020…
Hùng Cường