Ngày 12/12 vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2020 | 7:51:53 AM

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày liên tục, từ 12/12, để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu.

Ngày 12/12 vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ngày 12/12 vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo thiết kế tổng thể, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.

Hệ thống được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

Trong thời gian vận hành thử từ ngày 12/12, các đoàn tàu sẽ hoạt động từ 5h-23h hàng ngày. Trong giờ bình thường tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm có 9 đoàn chạy theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh - Yên Nghĩa.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, trước khi vận hành thử hệ thống 20 ngày, tổng thầu dự án thực hiện chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt.

Cụ thể, 3 ngày đầu sẽ kiểm tra hạng mục chạy tàu giao lộ nhỏ, kết hợp chạy giao lộ nhỏ và lớn; kiểm tra giãn cách 2, 3 phút/chuyến; các đoàn tàu chạy nối tiếp nhau 120 giây.

Thời gian này cũng kết hợp diễn tập các tình huống xử lý sự cố. Trong 5 ngày tiếp theo, có 6 đoàn tàu được đưa vào chạy thử trong thời gian 8h-18h từ đầu đến cuối ga ở cả hai hướng tuyến để nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) tại các vị trí, bộ phận phối hợp vận hành theo quy trình biểu đồ chạy thử 20 ngày.

Về nhân sự vận hành tàu, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, cho biết từ ngày 4/11 đến 10/12, toàn bộ lao động người Việt vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến, do chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc kiểm tra, sát hạch. Các nhân viên được đào tạo cho dự án đến nay đã sẵn sàng cho công tác vận hành thử, trong đó các lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo thực hành.

Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, Liên danh tư vấn độc lập Pháp dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án, sau đó Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc). Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải. Ban Quản lý dự án đường sắt được giao trực tiếp quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.

(Theo VTV)

Các tin khác
Công trình nhà bếp ăn Trường Mầm non Hoa Sen, xã Tân Lĩnh đã cơ bản hoàn thành.

Công trình Trường Mầm non Hoa Sen, xã Tân Lĩnh gồm các hạng mục: nhà ban giám hiệu, bếp ăn, cải tạo các phòng học cũ và các hạng mục phụ trợ khác như sân bê tông, nhà để xe… được khởi công từ tháng 4/2020, với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đồng do Công ty TNHH Cường Thịnh thi công.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè.

Bên cạnh chỉ tiêu thu ngân sách, năm 2020, huyện Văn Chấn đề ra 37 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đó 17 chỉ tiêu cao hơn so với Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 7/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng và các biện pháp tăng cường giải ngân cuối năm 2020 với các nhà tài trợ và 61 tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Nước sạch về vùng nông thôn đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái.

Yên Bái là một trong 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ được thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đến nay, trên 90% người dân nông thôn ở Yên Bái sử dụng nước hợp vệ sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục