Đây là lần thứ 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức khóa huấn luyện cho các chuyên gia đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc.
Chương trình có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Duy Đông, ông Kim Dong Bae- Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, sự tham dự của 41 đại điện các tổ chức, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam và 03 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Lào Cai, Yên Bái và Nghệ An.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Chiến Thắng đã giới thiệu thông tin khái quát về tỉnh Yên Bái, những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Yên Bái với các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo đó, tỉnh Yên Bái có nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút đầu tư như: (1) Có vị trí chiến lược và kết nối giao thông thuận lợi: nằm ở trung điểm tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua với chiều dài 80 km. (2) Có tiềm năng đất đai lớn với 85% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi cho phát triển đa dạng các sản phẩm nông, lâm nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; (3) Có tài nguyên rừng phong phú, (4) Có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, trữ lượng lớn nhất là đá trắng, khoáng sản kim loại, đá quý, (5) Có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, gồm: nhiều suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc đặc sắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.(6) Có nguồn nhân lực dồi dào, (7) Có nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định cho các ngành công nghiệp như: chế biến khoáng sản, chế biến gỗ rừng trồng. Chi phí thuê đất và cơ sở hạ tầng ở mức thấp so mới mặt bằng chung các tỉnh trong khu vực; (8) Đặc biệt, chính quyền tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ và đồng hành cùng với doanh nghiệp trong khảo sát và thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 02 dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 45,85 triệu USD, trong đó điển hình là Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (500 giường bệnh) vốn vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), tổng mức đầu tư là 45 triệu USD.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, hiện nay Yên Bái có 27 dự án, trong đó có 05 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 249,88 triệu USD, tương đương 5.772,22 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực may mặc, linh kiện điện tử.
Về xuất khẩu, hiện nay có khoảng 17 doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái đang xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, với 4 nhóm hàng chủ yếu là: quặng sắt và khoáng sản khác; chất dẻo (hạt nhựa phụ gia); gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ; hàng dệt may với giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 14 triệu USD (chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu trung của cả tỉnh). Hàn Quốc là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Yên Bái nói riêng luôn mong muốn hợp tác và tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Chiến Thắng mong muốn sau Chương trình sẽ có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tới Yên Bái để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh, đặc biệt trên các lĩnh vực như: sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng; nông nghiệp công nghệ cao; khai thác và chế biến sâu khoáng sản; phát triển dịch vụ du lịch; sản xuất và lắp rắp linh kiện điện tử, may mặc.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)