Yên Bái nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông: đường cao tốc, đường sắt, đường thủy từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai… là một lợi thế lớn trong việc giao lưu với các tỉnh bạn và với các thị trường lớn trong, ngoài nước.
Cùng đó, Yên Bái có tiềm năng to lớn về một số sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu: nguồn khoáng sản đa dạng, phong phú về chủng loại với 257 mỏ và điểm mỏ; sản phẩm bột đá CaCO3 có trữ lượng tương đối lớn (khoảng 6,3 tỷ tấn); sản phẩm sứ cách điện cấp điện áp chất lượng cao với 3.500 tấn sản phẩm/năm.
Cùng đó, tỉnh có gần 8.000 ha chè (lớn thứ hai ở Việt Nam); trên 70.000 ha quế và sản phẩm quế Văn Yên được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý; gần 19.000 ha rừng trồng mỗi năm khai thác, chế biến, tiêu thụ trên 450.000 m3 gỗ.
Tỉnh có trên 15.000 ha sắn mỗi năm thu hoạch gần 200.000 tấn sắn củ tươi; sản phẩm miến đao Giới Phiên mỗi năm sản xuất và đưa ra thị trường từ 600 - 1.000 tấn; trên 4.000 ha tre măng Bát độ, sản lượng hàng năm đạt trên 60.000 tấn.
Từ những lợi thế trên, tỉnh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất, trên cơ sở pháp luật, các quy định của Nhà nước, của tỉnh cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Yên Bái hợp tác liên doanh, đầu tư các dự án SXKD, XTTM, trao đổi, mua bán hàng hóa, sản phẩm có thế mạnh và các ngành nghề lĩnh vực có lợi thế.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Những năm qua, tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải cách chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung thu hút đầu tư và khai thác ngày càng hiệu quả hơn các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phát triển SXKD nhiều sản phẩm mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động XTTM, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các hội nghị được tổ chức tại các vùng, miền. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư thành công”.
Đây là lần đầu tiên Chương trình kết nối giao thương được phối hợp tổ chức giữa cơ quan Trung ương và các địa phương theo tinh thần đổi mới phương thức triển khai các hoạt động XTTM cấp quốc gia.
Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương thông qua các cơ quan XTTM đã tổ chức nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác XTTM quốc tế kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng; đẩy mạnh hoạt động cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện lần này, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: "Trung Quốc là thị trường lớn có tiềm năng để các doanh nghiệp các tỉnh, các địa phương xuất khẩu hàng hóa; do vậy, thời gian qua, Trung Quốc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động XTTM nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng đưa các doanh nghiệp sang đầu tư, liên doanh liên kết thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, huyện Lục Yên cho biết: "Chương trình sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Qua đó, chúng tôi có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để thúc đẩy phát triển sản xuất”.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải cũng cho biết: "Tiếp cận thị trường đầu ra là khó khăn chung của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở huyện vùng cao. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, để mở rộng liên kết, XTTM, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh".
"Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển SXKD, tạo cầu nối phát triển thương mại, dịch vụ giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng trong, ngoài nước” - ông Toản nói.
Với các thông tin hữu ích từ các địa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư. Thông qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.
Thanh Tân