Được Hội Nông dân xã quan tâm, tạo điều kiện, chị Vương Thị Mùi - hội viên Chi hội thôn Trung Tâm, xã Yên Thái, huyện Văn Yên đã thực hiện phương châm sản xuất "lấy ngắn nuôi dài”. Theo đó, vợ chồng chị tích cực trồng sắn, lúa, ngô và kết hợp phát triển chăn nuôi. Sau nhiều năm phấn đấu, khi đã tích cóp được thêm vốn, anh chị mua quế giống về trồng. Đến nay, gia đình chị đã có 8 ha quế, 5 ao nuôi cá, gần trăm con dê thương phẩm và hàng năm thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Chị Mùi phấn khởi chia sẻ: "Được các cấp hội quan tâm, gia đình tôi đã vượt qua được khó khăn và hiện có cuộc sống ổn định. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, tôi mở rộng diện tích đất trồng quế, xây dựng thêm chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn để tăng thu nhập cho gia đình”.
Hội Nông dân xã Yên Thái hiện có 8 chi hội với 680 hội viên. Thời gian qua, Hội đã triển khai, thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó, xã đã có 360 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm; đồng thời, hội viên có thêm điều kiện góp sức vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Xuân Hội - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thái cho biết: "Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cây, con giống để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hướng tới xóa nghèo bền vững”.
Những năm qua, để không ngừng nâng cao đời sống cho hội viên, Hội Nông dân huyện Văn Yên đã triển khai thực hiện tốt việc phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân và góp phần hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: vùng chè, vùng lúa chất lượng, vùng sắn, quế nguyên liệu…; vận động nông dân tích cực đưa khoa học, kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất, phát triển chăn nuôi; lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương để đưa vào triển khai sản xuất hàng hóa. Hàng năm, các tổ chức hội cơ sở triển khai, thực hiện tốt công tác ủy thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thuận lợi.
Theo đó, thông qua 98 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 25 cơ sở hội xã, thị trấn trên toàn huyện, trong 10 tháng đầu năm 2020 đã có 4.150 hộ hội viên được vay vốn để đầu tư vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đưa tổng dư nợ của Hội đạt 159 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, hội mở 5 lớp đào tạo nghề, 1 lớp kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, 1 lớp nâng cao kiến thức khởi nghiệp đã thu hút 300 hội viên tham gia; thành lập mới 18 tổ hợp tác, hợp tác xã về trồng dâu nuôi tằm, trồng rừng, thu mua, sơ chế quế vỏ, chế biến gỗ rừng trồng, nuôi thả cá...
Thực hiện tốt Cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hiện nay, toàn Hội đã có 18.100 hội viên đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa năm 2020.
Ông Nguyễn Công Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, định hướng từng mục tiêu cụ thể và phát huy tốt thế mạnh của từng vùng, giúp hội viên có phương hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng xu thế của thị trường; chỉ đạo các cơ sở hội không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức mở nhiều lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật để giúp hội viên nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến nhằm góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chí Sinh