Người Dao ở Nậm Lành, huyện Văn Chấn có truyền thống phát triển cây quế từ lâu đời. Tuy nhiên, trước đây, việc phát triển quế chủ yếu là tự phát theo gia đình hoặc dòng tộc.
Giống như nhiều hộ đồng bào Dao ở Nậm Lành, gia đình anh Triệu Quý Ngân ở thôn Tặc Tè cũng phát triển kinh tế từ cây quế. Song, do tập quán canh tác, trước đây, gia đình anh chỉ dành một phần đất để trồng quế, nhiều diện tích đất màu mỡ gia đình anh dành để trồng ngô, trông sắn lấy lương thực.
Quá trình canh tác, gia đình anh nhận thấy cây quế không những giúp gia đình anh đủ ăn, đủ tiêu mà còn dư dả để mua sắm vật dụng gia đình. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2015, gia đình anh đã chuyển gần 1 ha đất nương đồi sang trồng quế.
Đến nay, các diện tích quế mới trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho gia đình anh thu nhập từ việc tỉa lá. Anh Ngân cho biết: "Cây quế so với các cây trồng khác thì quế lâu được thu hoạch hơn nhưng có thể thu được tất cả vỏ, thân, lá nên hiệu quả rất cao. Bây giờ, cây quế còn bán được cả lá nên 3-5 năm là có thể cho thu nhập. Với lại, cây quế chỉ cần trồng một lần có thể tái sinh 2 - 3 lần nên đỡ tốn công trồng lại”.
Vốn là loài cây truyền thống, gắn liền với đời sống của đồng bào Dao, cây quế đã được người Dao Nậm Lành trồng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Dù vậy, việc trồng quế trước đây vẫn theo tập quán cũ, như lấy cây giống trong rừng để trồng hoặc để tái sinh tự nhiên. Dù tiết kiệm kinh phí và công chăm sóc nhưng mật độ cây và sự sinh trưởng không đồng đều, giá trị đạt được còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quá trình canh tác lâu dài, cây quế bắt đầu có biểu hiện thoái hóa, bị nấm và sâu, bệnh phá hoại. Trước yêu cầu đặt ra và thực hiện chủ trương mở rộng và nâng cao chất lượng, xã đã tranh thủ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước động viên nhân dân tập trung phát triển cây quế.
Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, người dân trong xã đã trồng mới trên 100 ha quế, nâng tổng diện tích quế toàn xã lên 1.500 ha. Bên cạnh đó, người dân còn tự ươm giống và áp dụng các quy trình chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự sinh trưởng của cây.
Ông Phùng Sinh Sương – Trưởng thôn Giàng Cài cho biết: "Giờ thì nhiều hộ dân đã tự ươm cây giống để trồng nên hầu như chẳng còn diện tích đất trống. Giá quế tăng cao, người dân cũng nâng cao nhận thức về trồng, chăm sóc cây quế. Ở đây, nhiều hộ đã sử dụng cả phân dúi dùng cho lúa để chăm quế mới trồng thấy hiệu quả rõ rệt”.
Tập trung phát triển cây quế, những năm qua, trung bình mỗi năm, người dân Nậm Lành đã thu hoạch trên 1.000 tấn quế vỏ. Cùng với việc tận thu cành, lá và gỗ quế đã mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng cho nhân dân. Phát huy thế mạnh từ cây quế và tạo định hướng, quy hoạch phát triển ổn định các diện tích quế, xã Nậm Lành đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và một số đơn vị chức năng của tỉnh tiến hành đo đạc, quy hoạch các diện tích đất lâm nghiệp và đất trồng quế.
Qua đo đạc, Nậm Lành đã quy hoạch 1.500 ha đất trồng quế; trong đó, phần lớn các diện tích đất đã được nhân dân trồng quế. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển cây quế, Nậm Lành chủ trương vận động nhân dân tận dụng các diện tích đất còn lại để trồng quế và trồng bổ sung vào các diện tích quế đã khai thác; tăng cường thâm canh, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng quế.
Bà Bàn Thị Náy – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Có thể thấy, cây quế là cây trồng rất quan trọng gắn liền với đời sống, sinh hoạt, cũng như là nguồn thu nhập chính của đồng bào Dao Nậm Lành. Thu nhập từ cây quế đã giúp nhiều hộ trở lên khá giàu, mua sắm được các tiện nghi đắt tiền. Xã động viên nhân dân tập trung chăm sóc, phòng bệnh để các diện tích quế phát triển bền vững”.
Trần Van