Ngoài một số tuyến quốc lộ như: 32, 32C, 70, 37 đã xuống cấp nghiêm trọng thì các tuyến tỉnh lộ từ thị xã Yên Bái đi Khe Sang, huyện Văn Yên; tỉnh lộ 174 từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu, đường ngã ba Khánh Hòa nối quốc lộ 70 đi thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, đường từ thị trấn Thác Bà đi các xã phía Đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình và Lục Yên... đường nhỏ và chất lượng mặt đường cực thấp.
Các tuyến đường liên thôn, liên xã chỉ là đường đất và đi được xe đạp, xe máy ở những xã vùng thấp, còn các xã vùng cao hầu như đều là đường mòn dốc tộc hay còn được gọi là "đường người ngựa”. Các tuyến đường thôn, bản ở vùng cao quanh năm ngập ngụa bùn và phân gia súc.
Những tên xã như: Chế Tạo, Mồ Dề, Nặm Khắt, Nậm Có... ở huyện Mù Cang Chải; Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng, Túc Đán, Bản Mù, Xà Hồ... ở huyện Trạm Tấu; An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền, Suối Giàng, Minh An, Nghĩa Tâm ở huyện Văn Chấn; Tân Phượng, Khai Trung, An Phú, Tân Lập, Phan Thanh, Khánh Thiện... ở huyện Lục Yên; Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Đại Sơn, Viễn Sơn... ở huyện Văn Yên; Kiên Thành, Hồng Ca... của huyện Trấn Yên thì chỉ nhắc đến thôi, ngay cả người địa phương cũng ngán ngẩm đường đi lại.
Thật dễ đồng cảm với nỗi ngán ngẩm ấy, bởi chúng tôi từng đi bộ cật lực từ trung tâm huyện Mù Cang Chải lên xã Chế Tạo từ lúc 5 giờ sáng và chỉ ngược núi cao cho mãi đến tối mịt mới tới nơi. Đi bộ từ quốc lộ 32 lên xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu từ sáng sớm và chiều muộn cũng mới tới trung tâm xã.
Đấy chỉ là 2 trong số hàng chục xã phải đi như thế, đó là chưa kể đi từ trung tâm xã đến bản xa nhất, có nơi còn phải đi thêm nửa ngày đường.
Ngay cả đoạn đường khoảng 30 cây số tỉnh lộ 174 từ thị xã Nghĩa Lộ lên trung tâm huyện Trạm Tấu, lúc bấy giờ người dân cũng đi bộ là chính.
Đường từ thị xã Yên Bái lên Mù Cang Chải khoảng 200 cây số, nhưng đi xe khách từ 5 giờ sáng thì cỡ 5 - 6 giờ chiều mới đến. Như vậy, đủ thấy đường đi lại ở vùng cao gian nan và cách trở thế nào, nhất là vào mùa mưa lũ.
Tôi nhớ câu nói đầy tâm trạng của bác Hoàng Văn Lồng lúc ấy là Chủ tịch huyện Mù Cang Chải khi nghe ai đó đùa bâng quơ: "Không cẩn thận là điều đi Mù Cang Chải bây giờ! Họ ví Mù Cang Chải như vùng Siberia đầy khó khăn, cách trở, băng lạnh của Yên Bái. Nghe mà chạnh lòng lắm nhà báo ạ”.
Ngoài những khó khăn về đường sá ở các xã vùng cao, còn phải kể đến nhiều xã ở phía Đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình và huyện Lục Yên cũng khá biệt lập với bên ngoài.
Kết nối giao thông ở vùng này với trung tâm huyện Yên Bình hay thành phố Yên Bái chủ yếu bằng ca nô và có nơi phải đằng đẵng đi 5 - 6 tiếng trên hồ.
Đi đường thủy, dẫu không phải bầm chân cuốc bộ, nhưng hiểm nguy luôn rình rập và ngặt nỗi mùa đông sương mù, lúc mưa bão che khuất tầm nhìn hoặc đêm về thì ca nô đành nghỉ chạy.
Đường sá cách trở như thế, khiến người dân một số xã của huyện Yên Bình khi ốm đau phải ngược lên bệnh viện huyện Lục Yên hay sang huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang chữa trị chứ mang ra bệnh viện huyện hay tỉnh thì xa xôi và quá gian nan.
Người có việc phải đi ra trung tâm huyện Yên Bình hay thành phố Yên Bái thì nơm nớp vội về cho khỏi trễ ca nô. Kịp ca nô rồi mà lỡ lúc khách đông thì chỉ còn cách đi ca nô về một bến nào đó phía Đông hồ rồi đi tiếp đường bộ cả chục cây số.
Từng tháp tùng nhiều đoàn công tác của tỉnh đến với các địa phương vùng cao, vùng sâu lúc bấy giờ, tôi nhận thấy những kiến nghị của lãnh đạo địa phương lúc đó trước tiên và chủ yếu là kiến nghị với cấp trên cần có các giải pháp duy tu bảo dưỡng để hạn chế ổ gà hay san gạt kịp thời khi sạt lở đường do mưa lũ trên tuyến quốc lộ 32 để xe khách đi lại thuận tiện.
Đề nghị được đầu tư những cây cầu treo qua suối để ngày mưa lũ con em không bị nghỉ học; người ốm đau đến được bệnh viện… chứ chưa dám đề nghị đến xin được đầu tư những đường to, cầu lớn.
Thiếu thốn những con đường êm thuận, kéo theo bao hệ lụy ở một tỉnh miền núi nghèo và đông đồng bào dân tộc sinh sống như Yên Bái.
Ngay ở nông thôn vùng thấp xa trung tâm huyện, tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo vẫn khá cao và cơ bản mới thoát khỏi tình trạng thiếu đói lương thực. Nông lâm sản làm ra khó bán, giá thấp, bấp bênh và luôn phải chịu cảnh tư thương ép cấp, ép giá.
Ánh sáng văn minh hay nói cách khác là đường lối đổi mới và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội không về được bản làng cũng chính là vì thiếu những con đường êm thuận.
Bởi thế, đời sống kinh tế của nông dân vùng cao cơ bản là tự cung, tự cấp. Việc chăm sóc sức khỏe gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vùng đồng bào Mông sinh sống nên phụ nữ chủ yếu sinh đẻ tại nhà; người ốm đau rất ít được đưa đến cơ sở y tế khám chữa bệnh và đau lòng hơn có những trường hợp ốm đau nặng phải đưa đến bệnh viện nhưng không kịp cứu sống do đường sá xa xôi, cách trở.
Từ thực tế như vậy, bà con vùng đồng bào Mông thiên về chữa bệnh bằng những bài thuốc dân gian hoặc mời thầy mo đến nhà cúng ma tà trị bệnh. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới gần 100% và thiếu đói kinh niên trong một môi trường đất rộng người thưa ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải cũng như nhiều xã người Mông ở huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên.
Đời sống vật chất, tinh thần nghèo nàn, dân trí thấp còn là nguyên nhân kéo theo nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội khá nặng nề như nạn nghiện hút thuốc phiện, nạn thách cưới cao, tảo hôn, đẻ nhiều, hôn nhân cận huyết thống; tang ma không đưa người chết vào quan tài để làm tang lễ, để người chết trong nhà lâu ngày, mổ nhiều gia súc, tiêu tốn nhiều tiền cho nghi lễ tang ma; mê tín, dị đoan dẫn đến nghi kỵ, mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ.
Đại đa số người Mông mù chữ; thậm chí, có nhiều cán bộ xã không biết chữ; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đi học cũng thấp và thường bỏ học giữa chừng ngay từ bậc tiểu học. Nhiều khu vực đồng bào Mông sinh sống rơi vào tình trạng "4 không” (không điện, đường, trường, trạm).
Thực trạng đường sá khó khăn còn là nguyên nhân khiến cho môi trường sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là nạn phá rừng gây nên biến đổi khí khậu và lũ ống, lũ quét.
Trong đó, nguyên nhân nổi bật xuất phát từ hình thái du canh du cư; canh tác theo lối tự cung, tự cấp cùng với tập quán canh tác nương rẫy rất lạc hậu khiến nông dân làm nhiều thu ít và gây cháy rừng tràn lan...
Cùng đó, để lo cho cuộc sống hàng ngày, bà con vùng cao tìm mọi cách để tìm kiếm nguồn lợi từ rừng và trầm trọng nhất là tình trạng khai thác gỗ lậu bán cho các đầu nậu gỗ ở vùng thấp. Đường sá khó khăn cũng khiến cho không có các vật liệu thay thế, nên mọi vật liệu kiến trúc từ nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, cầu cống, trường học, trụ sở... đều lệ thuộc vào nguồn gỗ rừng tự nhiên.
Điều rất đáng quan ngại nữa trong những năm 1990, đó là việc đường sá cách trở còn là nguyên nhân khiến cho tình hình an ninh chính trị ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn biến rất phức tạp.
Nổi bật là việc kẻ địch lợi dụng sự đói nghèo, dân trí thấp, không biết tiếng Kinh để thông qua các kênh tuyên truyền như radio, băng hình, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hỗ trợ kinh tế... để dụ dỗ bà con theo địch và làm suy giảm dần niềm tin với Đảng, Nhà nước.
Kích động chia rẽ mối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với nhau và giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước...
Từ đó, địch lôi kéo người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số tham gia chống phá Đảng, Nhà nước, đưa đất nước rơi vào tình thế đang còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng lại phải gồng mình vừa huy động nguồn lực, giải pháp nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân vùng cao vừa phải dốc lực để giữ vững thế trận lòng dân hướng về Đảng để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, kéo giảm khoảng cách chất lượng cuộc sống mọi mặt giữa vùng thấp với vùng cao, bảo vệ vững chắc nền quốc phòng - an ninh quốc gia.
Sơn Nam