Toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả, chất lượng 39 dự án nâng cao chất lượng nông lâm, thủy sản và 32 dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại. Triển khai thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và chất lượng ngày càng nâng cao như: vùng quế gần 78.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha), dâu tằm gần 1.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu đáp ứng cho chế biến 200.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá...
Thực hiện chương trình OCOP, trong năm 2020 đã tổ chức công nhận 53 sản phẩm, đạt 106% kế hoạch và đưa tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 80 sản phẩm gồm 6 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao. Từ những con số trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp đã định hình với hướng đi phù hợp và có bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP vẫn còn những hạn chế và chưa thực sự bền vững.
Cụ thể, sản xuất đã theo hướng hàng hóa nhưng phần lớn vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Nông dân sản xuất hàng hóa nhưng thiếu liên kết trong nhóm hộ, dẫn tới chưa tạo vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định trong khi các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn, ổn định.
Đặc biệt, tình trạng phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho thương lái với giá cao hơn, dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, ít thiếu nhiều thừa... Bên cạnh đó, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp rủi ro lớn; tỉnh đã có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa được nhiều.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững, do hầu hết chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro và chủ yếu vẫn liên kết theo kiểu thuận mua vừa bán. Hiện, toàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn là hợp tác xã cung ứng dịch vụ nông nghiệp.
Mặc dù tỉnh đã và đang thực hiện khá tốt hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; 20 dự án hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn sản phẩm và mua máy in tem; 2 dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm; đưa nông sản của tỉnh vào hệ thống siêu thị lớn như BigC Thăng Long với các sản phẩm chủ lực như: bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, trà quế, trà Bát tiên, thịt sấy... và đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, xúc tiến thương mại nhưng vẫn còn hạn chế và phần lớn người tiêu dùng, ngay cả người tiêu dùng nội tỉnh vẫn thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao. Nguyên nhân là do chúng ta thiếu thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mối liên kết khá thành công, mang lại hiệu quả cao và bền vững như trong sản xuất chế biến măng tre Bát độ giữa Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ với người dân các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, huyện Trấn Yên thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả cao.
Đây là chuỗi giá trị sản xuất thành công nhất, khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Hay như việc liên kết trong sản xuất trồng dâu, nuôi tằm ở các xã: Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng, huyện Trấn Yên hầu hết các hộ sản xuất đều tham gia HTX và liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm. Đã có 800 thành viên thuộc 10 HTX và 80 tổ hợp tác hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc liên kết với nông dân và xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa với công suất 200 nghìn tấn tơ/năm. Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu USD tại huyện Văn Chấn của Tập đoàn Nippon Zoki Nhật Bản cũng là một điển hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từ thực tế cho thấy, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có vai trò chủ đạo trong định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết. Để mối "lương duyên” nông dân - HTX - doanh nghiệp bền vững, ba bên phải "cộng sinh” và biết chia lợi nhuận, rủi ro để tạo ra mối liên kết bền vững. Đây là mấu chốt cần được nghiên cứu, bàn thảo, tháo gỡ nút thắt giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp là chủ đạo.
Thanh Phúc