Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, sản xuất nông nghiệp không chỉ còn độc canh cây lúa. Từ năm 2019, một số cây trồng mới được đưa vào trồng thử nghiệm. Trong đó, xã Xà Hồ triển khai nhân rộng mô hình trồng sâm Hoàng Shin Cô trên diện tích 1,5 ha; nhân rộng thành công mô hình giống bí đao xanh thơm trên diện tích 1 ha và giống nhập từ xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn.
Ngành nông nghiệp huyện cũng chủ động phối hợp với nhóm thiện nguyện 2 EK - Hà Nội thí điểm đưa 4 loại cây trồng mới là bơ Shap 034, lê lai, xoài, hồng giòn trồng thử nghiệm tại các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Làng Nhì, thị trấn Trạm Tấu gần 11 ha, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện cánh đồng 1 giống với diện tích 10 ha lúa tẻ đỏ tại xã Hát Lừu đạt kết quả tốt.
Ông Quyền Đình Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định: việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn ở địa phương đã và đang mở ra cơ hội tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới làm thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân vùng cao. Đồng thời, cũng là tiền đề để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường thông qua chuyển đổi cây tròng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
Yên Bái đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, với những sản phẩm được xem là đặc sản vùng; trong đó, vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao hơn đang được xem là thế mạnh của tỉnh như vùng quế với diện tích gần 80.000 ha; vùng sơn tra gần 10.000 ha; vùng tre măng Bát độ trên 6.600 ha...
Trong số 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh, tại các địa phương vùng cao đã có tên những sản phẩm nổi tiếng và là đặc sản vùng như: sơn tra Mù Cang Chải, Trạm Tấu; chè Shan hữu cơ của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu; vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa Yên Bái...
Trong sản xuất lương thực, tỉnh đưa vào quy hoạch phát triển sản phẩm đặc sản địa phương đối với gạo nếp Tú Lệ, diện tích hiện có trên 100 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với sản lượng bình quân ước đạt 400 tấn/năm, giá trị đạt 3 tỷ đồng.
Sản phẩm nông nghiệp của vùng cao Yên Bái bước đầu có những sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý như sản phẩm nếp Tú Lệ; mật ong Mù Cang Chải; cam Văn Chấn và chè Shan Văn Chấn; măng mai, lạc đỏ, gà trống thiến Lục Yên; lợn đen bản địa Trạm Tấu; gà đen bản địa Trạm Tấu. Một số sản phẩm là đặc sản địa phương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như gạo nếp 87 Trạm Tấu; măng ớt Trạm Tấu; mật ong Văn Chấn. Năm 2020, nông nghiệp Trạm Tấu có thêm một mặt hàng nông sản, đó là khoai sọ nương Trạm Tấu được xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận...
Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong phát triển nông nghiệp vùng cao phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của cả nước. Yên Bái phát huy lợi thế vùng, miền và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị canh tác, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, với mục tiêu ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu gồm: quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, sả, ba kích, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi, atiso, đương quy.
Tổng diện tích cây dược liệu trồng mới trên địa bàn tỉnh hết năm 2019 đạt gần 20 ha, vượt 12,1% kế hoạch; trong đó, sơn tra gần 5.100 ha; thảo quả 2.619,6 ha; đinh lăng 35 ha; sả 87,1 ha; ba kích 10,5 ha; giảo cổ lam 25 ha; cà gai leo 23,4 ha, lá khôi tía 17,5 ha...
Năm 2020, trồng mới được trên 26 ha các loại cây dược liệu. Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện việc phát triển cây dược liệu đến năm 2020, tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 29 chủng loại chính; trong đó, có địa hoàng, hoài sơn, cây gắm, sâm Ngọc Linh…
Những cây trồng mới ở vùng cao Yên Bái đã và đang tham gia tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Thúy
SƠN TRA, THẢO QUẢ GÓP PHẦN XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO
Huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 98.627 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 82% diện tích tự nhiên. Đây là tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Nhằm phát huy lợi thế của rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, UBND huyện Mù Cang Chải phê duyệt Đề án "Quản lý cây thảo quả, cây sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2014 - 2020” (viết tắt là Đề án).
Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải thu hoạch quả sơn tra.
Trước khi triển khai thực hiện Đề án, nhân dân ở các xã: Nậm Khắt, Nậm Có, La Pán Tẩn, Lao Chải... đã có khoản thu nhập từ sơn tra tương đối lớn nhưng chủ yếu từ cây mọc tự nhiên. Cây thảo quả được trồng tập trung ở xã Cao Phạ, Nậm Có, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Tạo nhưng phát triển tràn lan, mang tính tự phát. Các hộ dân làm theo kinh nghiệm là chính, giá trị thực tế chưa cao, chưa kích thích được sản xuất ổn định.
Hiện tượng xâm canh để trồng thảo quả từ xã này sang xã khác vẫn khá phổ biến; việc mở tán rừng, lấn chiếm đất để trồng thảo quả, sơn tra, chặt cây rừng để sấy thảo quả và việc thu hái quả non, trộm cắp quả của người dân với nhau chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm...
Ngay sau khi UBND huyện có Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 30/01/2015 về phê duyệt Đề án; Quyết định số 2412/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về phê duyệt Đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án. Đối với cấp xã đều thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc ban chỉ đạo thường xuyên bám thôn, bản để đôn đốc, tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện Đề án.
Anh Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt trao đổi: năm 2016, khi huyện, xã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án, Nậm Khắt có 399 ha sơn tra, trồng rải rác ở các bản trong xã. Công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên tình trạng hái quả sơn tra, thảo quả non bán cho tư thương thời điểm đầu vụ vẫn xảy ra khá phổ biến.
Từ khi triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo huyện, xã đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ mục tiêu của Đề án là quản lý tốt diện tích thảo quả hiện có, không khuyến khích mở thêm diện tích và nâng cao năng suất chất lượng thảo quả. Đối với cây sơn tra thì mở rộng diện tích, vì đây là cây đa tác dụng vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng phòng hộ. Mục tiêu trồng phải theo đúng quy hoạch 3 loại rừng, đảm bảo sự phù hợp giữa điều kiện tự nhiên và đặc tính sinh thái của cây sơn tra, gắn trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng.
Cùng với tuyên truyền, vào đầu mùa thu hoạch, xã thành các chốt, trạm kiểm soát thu hái sơn tra, thảo quả trên địa bàn; vì vậy, việc thu hái sơn tra, thảo quả non đã giảm rõ rệt. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, diện tích sơn tra của xã Nặm Khắt đã tăng từ 399 ha lên 1.016,6 ha; sản lượng tăng từ 350 tấn lên 650 tấn; thu nhập của các hộ dân tham gia Đề án cũng tăng hơn so với trước.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển cây sơn tra, giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, tổng diện tích sơn tra của Mù Cang Chải đã có 4.908,9 ha, tăng 2.946,8 ha so với trước khi triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 2.500 ha, năng suất đạt từ 1,4 - 1,5 tấn/ha/năm, sản lượng đạt trên 3.000 tấn quả/năm.
Đối với cây thảo quả, hết năm 2020, huyện có 2.132,59 ha, tăng 710,69 ha so với trước khi thực hiện Đề án. Diện tích đã cho thu hoạch khoảng 1.500 ha, năng suất bình quân đạt từ 1,8 - 2 tấn quả tươi/ha/năm, sản lượng quả tươi đạt 2.500 tấn/năm. Nguồn thu từ cây thảo quả năm nay của người dân ước đạt gần 60 tỷ đồng; sơn tra gần 20 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện đạt trên 20,44 triệu đồng/người.
Việc xây dựng, triển khai Đề án không chỉ góp phần tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào vùng cao, giảm hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 8,4%/năm, vượt gần 2% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 -2020 đề ra mà việc trồng bổ sung cây sơn tra dưới tán rừng để sử dụng quy hoạch cho đất lâm nghiệp hiệu quả, cải thiện môi trường, chống xói mòn đất, nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng hết năm 2020 của huyện lên 67,07%.
Đặc biệt, nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên và nhân dân đã ý thức việc phát triển cây sơn tra, chuyển đổi tư tưởng từ trồng rừng theo dự án, kế hoạch sang tự giác trồng, chăm sóc sơn tra, thảo quả để xóa đói giảm nghèo bền vững, không trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước đây.
Minh Hằng
NHỮNG MÔ HÌNH MỚI Ở TRẠM TẤU
Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân huyện Trạm Tấu.
Xã Xà Hồ những ngày này, nhiều hộ đang hối hả thu hoạch sâm Hoàng Shin Cô. Anh Chớ A Sinh, thôn Sáng Pao cho biết: "Được Hội Nông dân huyện hỗ trợ giống và kỹ thuật, năm 2019, gia đình tôi trồng 5.000 m2 sâm Hoàng Shin Cô và thu đạt 2 tấn củ bán được 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm nay, tôi tiếp tục trồng 5.000 m2 nữa”.
Mô hình trồng sâm Hoàng Shin Cô ở xã Xà Hồ không chỉ riêng gia đình anh Sinh thực hiện mà có nhiều hộ tham gia, hộ trồng ít từ 2.000 đến 3.000 m2, hộ trồng nhiều từ 4.000 đến 5.000 m2. Từ việc trồng cây sâm Hoàng Shin Cô đã giúp các hộ dân có thu nhập từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng/vụ/hộ.
Bà con người Mông xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu thu hoạch sâm Hoàng Shin Cô.
Ngoài cây sâm ở xã Xà Hồ, huyện còn triển khai, thực hiện mô hình trồng dưa bở địa phương tại xã Trạm Tấu. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng và cây dưa bở mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, giá bán dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Từ đó, đã có 112 hộ tham gia, hộ trồng ít từ 300 đến 400 m2, hộ trồng nhiều từ 1.400 đến trên 4.000 m2 như hộ ông Mùa A Chờ, Sùng A Thào, thôn Tấu Trên; Giàng A Hành, Giàng A Chư ở thôn Tấu Dưới…
Ông Mùa A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cho biết: "Mô hình trồng dưa bở địa phương được đưa vào trồng ở xã thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống rõ rệt. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con người Mông mở rộng diện tích trồng dưa bở địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cây dưa phát triển tốt, mang lại năng suất, chất lượng như mong muốn, xã sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn cho bà con về việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trồng và hướng dẫn bà kỹ thuật chăm sóc”.
Cùng đó, huyện đã triển khai, thực hiện 4 mô hình lúa với diện tích 43 ha; trong đó, có mô hình trình diễn giống lúa ĐS-1 với diện tích 30 ha và mô hình trình diễn giống lúa tẻ đỏ (BG1) với diện tích 10 ha tại thôn Lừu 2, xã Hát Lừu. Mô hình trình diễn giống lúa TB J3 với diện tích 2 ha tại thôn Km 14, xã Trạm Tấu; mô hình trình diễn giống lúa Đài thơm 8 với diện tích 1 ha tại thôn Pa Te, xã Túc Đán, năng suất các mô hình lúa trình diễn đạt trên 50 tấn/ha....
Huyện Trạm Tấu cũng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020 và có 6 sản phẩm được tuyển chọn là: chè shan tuyết Phình Hồ, gạo nếp 87, khoai sọ nương Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu, tinh dầu sả Java…
Với mục tiêu đạt hạng 3 sao, hiện nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn các cá nhân, chủ thể các sản phẩm để nâng cao sự hiểu biết về Chương trình OCOP; đồng thời, nắm rõ được các thủ tục tham gia Chương trình; lựa chọn ý tưởng sản phẩm, tổ chức tập huấn về phương pháp triển khai kế hoạch kinh doanh. Huyện cũng đã gửi mẫu sản phẩm gồm: chè shan tuyết Phình Hồ, gạo nếp 87, khoai sọ nương Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu… cho Viện Khoa học sự sống tỉnh Thái Nguyên kiểm tra về chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai, thực hiện các dự án, đề án để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất…”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đã góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
Sùng A Hồng
NGHĨA LỘ GIA TĂNG GIÁ TRỊ ĐẤT NÔNG NGHIỆP VỚI VỤ ĐÔNG
Những năm gần đây, nông dân thị xã Nghĩa Lộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng bí đao xanh thơm từ vụ đông năm 2019, vụ đông năm nay, gia đình bà Lò Thị Trang, tổ dân phố 2, phường Cầu Thia tiếp tục trồng bí đao xanh thơm trên diện tích 3.000 m2.
Bà Lò Thị Trang chăm sóc vườn bí đao thơm của gia đình.
Bà Trang chia sẻ: "Giống bí đao xanh thơm có ưu điểm là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, thời gian sinh trưởng ngắn, đặc biệt là chi phí ban đầu thấp. Sau gần 4 tháng trồng, chăm sóc, đến nay, diện tích bí đao xanh thơm của bà chuẩn bị cho thu hoạch. Theo giá thị trường hiện nay, 1 kg bí đao xanh thơm từ 8.000 đến 10.000 đồng thì diện tích trồng bí của gia đình ước thu được khoảng 30 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa”.
Cũng là hộ mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất trên đất 2 vụ lúa, 2 năm trở lại đây, gia đình bà Hoàng Thị Hiên ở tổ Tông Pọng, phường Tân An trồng giống cây cà chua ghép trên gốc cà tím thay vì trồng ngô và các loại rau như mọi năm.
Theo bà Hiên, giống cà chua này có ưu điểm vượt trội, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đặc biệt là chống được bệnh héo xanh vi khuẩn và tuyến trùng rễ, thời gian trồng 3 - 4 tháng, thời gian thu hoạch 30 - 45 ngày, mỗi cây cho thu hoạch 3,5 - 4 kg quả.
Trên diện tích 500 m2 ruộng, vụ đông này gia đình bà trồng 1.000 cây giống cà chua ghép Tre Việt số 10 do Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hiện, cây cà chua đang sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa, đậu quả sai và đồng đều, không có sâu bệnh và bắt đầu cho thu hoạch với giá bán từ 10 - 15.000 đồng/kg.
Là địa phương có diện tích sản xuất vụ đông lớn nhất thị xã Nghĩa Lộ, những ngày này, nông dân xã Phù Nham đang tích cực ra đồng thu hoạch ngô nếp và các loại rau màu đến kỳ thu hoạch như: bắp cải, súp lơ, su hào và tiếp tục trồng các loại rau ngắn ngày để phục vụ cho dịp tết Nguyên Đán năm 2021.
Ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Vụ đông 2020, toàn xã gieo trồng được 335 ha, vượt kế hoạch thị xã giao; trong đó, cây ngô 196 ha, còn lại là rau màu các loại. Qua sản xuất vụ đông đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn”.
Vụ đông 2020, nông dân thị xã Nghĩa Lộ gieo trồng được trên 1.820 ha; trong đó, cây ngô 1.470 ha, đạt 100% kế hoạch, rau màu các loại 350 ha, đạt 102% kế hoạch. Trong quá trình sản xuất vụ đông, bà con luôn có sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn thị xã như: Phòng Kinh tế đã triển khai các mô hình khuyến nông; Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã mở 5 lớp hướng dẫn kỹ thuật tại các xã, phường với 150 người tham gia, in sao 96 bộ tài liệu và hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng cho 753 lượt hộ.
Hiện nay, các tổ chuyên môn và các khuyến nông viên cơ sở tiếp tục bám sát đồng ruộng cùng nông dân để phòng chống sâu bệnh và dự báo, dự tính tình hình sản xuất trong thời gian tiếp theo; trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật và gieo trồng những giống rau màu ngắn ngày để phục vụ Tết Nguyên Đán 2021. Đến thời điểm hiện tại, thị xã đã thu hoạch được 50% diện tích ngô và thu hoạch các loại cây rau màu đến kỳ thu hoạch.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích cực sản xuất trong vụ đông cũng là góp phần nhằm thực hiện "Đề án "Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, giai đoạn 2016 - 2020”.
Thu Hạnh