Hiệu quả các nguồn lực đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng rõ nét, các đề án, dự án phát triển kinh tế được triển khai và đem lại hiệu quả; các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm chỉ đạo tập trung tháo gỡ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020, thành phố chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển; đồng thời, khuyến khích việc thành lập thêm các doanh nghiệp, phát triển các dự án mới, tạo nhiều nguồn lực cho phát triển, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2020; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, tổ chức hội nghị giới thiệu tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư tại thành phố Yên Bái với sự tham gia của trên 140 doanh nghiệp, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bước đầu, có 16 doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dự án vào địa bàn thành phố.
Hiện, thành phố đang kết nối với các doanh nghiệp, giới thiệu địa điểm đầu tư tại thực địa, hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, phổ biến các chính sách ưu đãi.
Trong đó, có 2 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận đầu tư vào Cụm công nghiệp Âu Lâu, thành phố dự kiến giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án vào quý I/2021; có 2 doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư dự án Trung tâm văn hóa sách và chợ truyền thống, trung tâm thương mại.
Cùng đó, thành phố tổ chức thành công hội nghị kết nối phát triển du lịch với 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và kết hợp với doanh nghiệp phát triển du lịch theo hướng chuyên sâu nhằm nâng tỷ trọng dịch vụ của địa phương.
Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, thành phố dự ước thành lập mới 120 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, hoàn thành 100% kế hoạch; thành lập mới 141 tổ hợp tác, bằng 141% kế hoạch thành phố.
Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2020, thành phố tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ngoài ngân sách phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 5.278 tỷ đồng, bằng 105,6%. Năm 2020, thành phố đã triển khai thực hiện 69 công trình, trong đó có 51 công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Hiện, 52 công trình hoàn thành, 15 công trình đang thực hiện, 2 công trình chưa khởi công. Công trình đầu tư từ nguồn vốn vay ODA có 18 hạng mục, hiện hoàn thành 11 công trình; đang thi công 7 công trình; tiến độ giải ngân dự kiến cả năm đạt 95,4% kế hoạch, đạt 100% vốn thực nhận. Trong năm, thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thành và tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái, giai đoạn 2040 tầm nhìn 2060.
Theo đó, các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thành phố được quan tâm như: quy hoạch khu đô thị Yên Thịnh HNN; quy hoạch khu đô thị Hợp Minh - Hudland; quy hoạch khu đô thị Đồng Tâm - Hudland; khu đô thị phía Nam thành phố - TNG; quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tỷ lệ 1/500 khu vực cầu Tuần Quán; quy hoạch khu đô thị tại phường Minh Tân; khu đô thị tại phường Đồng Tâm và phường Yên Thịnh; khu đô thị APEC tại xã Giới Phiên. Thực hiện lập mới, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 7 xã, phường; công bố đồ án quy hoạch phân khu các phường Yên Ninh, Hồng Hà, Minh Tân, Nguyễn Thái Học.
Tăng cường đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II với định hướng đô thị xanh, bản sắc, hạnh phúc, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, năm 2021, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công.
Tiếp tục huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và phát triển các ngành có lợi thế ở địa phương…
Phạm Minh