Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/1/2021 | 9:08:00 AM

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành trong năm nay sẽ kết nối đồng bộ tuyến cao tốc dài khoảng 170 km trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hàng trăm phương tiện, máy móc thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Hàng trăm phương tiện, máy móc thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Những ngày cuối năm 2020, trong tiết trời rét buốt, hơn 1.000 cán bộ, công nhân hối hả thi công trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Công trường nhộn nhịp suốt ngày đêm bởi hơn 500 phương tiện máy móc liên tục hoạt động.

"Tuyến đường đã hoàn thành được một nửa, hình hài dự án ngày càng rõ ràng và mọi việc đều thuận lợi, nên anh em trên công trường rất vui", anh Đinh Toàn Thắng, kỹ sư thuộc đơn vị chủ đầu tư, chia sẻ.

Anh Thắng cho hay đã tham gia làm nhiều công trình giao thông, nhưng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là đặc biệt nhất, "vì dự án hoàn thành sẽ giúp Quảng Ninh có tuyến cao tốc xuyên tỉnh khoảng 170 km, trở thành địa phương có đường cao tốc dài nhất Việt Nam".

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công ngày 3/4/2019, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn là 11.195 tỷ đồng. Tuyến đường dài 80,23 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, tốc tối đa 100 km/h.

Đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cao tốc này theo hướng tách thành hai dự án độc lập, tăng vận tốc tối đa từ 100 lên 120 km/h và được Thủ tướng đồng ý. Theo đó, tuyến Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8 km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng.

Tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến hơn 8.509 tỷ đồng.

Điểm đầu của cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II tại TP Móng Cái.

Dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, công trình sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ; góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai đi qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP Móng Cái (Quảng Ninh), tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam.

Theo ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được ví như mảnh ghép cuối cùng của tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

Khi mảnh ghép hoàn thành, độ dài đường cao tốc trên địa bàn Quảng Ninh sẽ bằng gần 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc. Đến nay các công trình đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển và liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc cũng như các sân bay quốc tế, gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).

"Điều đặc biệt là trong khi nhiều tuyến cao tốc trên toàn quốc do Trung ương lên kế hoạch xây dựng và đầu tư, thì các tuyến cao tốc ở Quảng Ninh đều do tỉnh chủ động triển khai", ông Huy nói.



Chuỗi cao tốc Hà Nội - Móng Cái. Đồ họa: Báo Quảng Ninh

Mảnh ghép đầu tiên trong chuỗi cao tốc ở Quảng Ninh là tuyến Hải Phòng - Hạ Long, khởi công tháng 9/2014; điểm đầu tại quốc lộ 18, thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long, điểm cuối giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng). Tổng mức đầu tư dự án hơn 13.000 tỷ đồng.

Cao tốc dài khoảng 25 km, rộng 25 m được thiết kế 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h, chia làm hai dự án thành phần. Phần thứ nhất là đường cao tốc Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dài 19,3 km, tổng đầu tư trên 6.400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Phần thứ hai là cầu Bạch Đằng, đường dẫn, nút giao cuối tuyến dài 5,4 km, trị giá đầu tư 7.277 tỷ đồng theo hình thức BOT, khởi công tháng 1/2015.

Cầu Bạch Đằng dài 3,5 km, kiến trúc nhịp cầu tạo thành 3 chữ H có ý nghĩa kết nối ba thành phố kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.

Khi cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc đây là cây cầu "made in Việt Nam", khẳng định sự tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam. Với các dự án này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước chủ động báo cáo đề xuất Trung ương, cho phép được dùng ngân sách tỉnh để làm cao tốc.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào sử dụng giúp quãng đường từ trung tâm Quảng Ninh đi Hà Nội rút ngắn 50 km, xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25 km thay vì 75 km như trước đây.

Mảnh ghép tiếp theo là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, khởi công từ tháng 9/2015, tổng mức đầu khoảng 12.000 tỷ đồng.

Theo thiết kế, cao tốc dài gần 60 km, điểm đầu tại quốc lộ 18A thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long, điểm cuối giao với đường trục chính vào sân bay Vân Đồn; tốc độ thiết kế 100 km/h, chiều rộng nền đường 24,5 m.



Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. 

Ngày 30/12/2018, cao tốc được thông xe kỹ thuật, giúp quãng đường đi ôtô từ Thủ đô đến khu kinh tế Vân Đồn chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ, thay vì hơn 5 tiếng như trước đó.

Ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay tỉnh đang dồn toàn lực phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành trên 80 km cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. "Khi mảnh ghép cuối cùng này được hoàn thành, mọi người có thể ăn sáng ở Hà Nội và buổi trưa ngắm biển Trà Cổ, nơi cách thủ đô hơn 270 km", ông Huy nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Giá vàng tăng mạnh trong năm 2020. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Giá vàng trong nước vừa trải qua năm 2020 biến động mạnh với tổng mức tăng khoảng 13,5 triệu đồng/lượng.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại điểm cầu Tổng cục Thuế.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2020 sáng 31/12, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết ngày 30/12/2020, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 1.261.662 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng ở Yên Bái (Ảnh minh họa: Báo Yên Bái)

Thực hiện "Dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với chương trình không còn nạn đói tại tỉnh Yên Bái" mở ra cơ hội để bà con ở Pá Lau tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái, tổng vốn đầu tư: 2.242 tỷ đồng.

Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự nỗ lực của các cấp, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư; sự chủ động trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, tạo mặt bằng... năm 2020 tỉnh Yên Bái đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư vào địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục