Gia đình bà Trần Thị Thu ở thôn Cướm, xã Thượng Bằng La có trên 2.000 m2 ruộng nước. Thực hiện chủ trương phát triển cây vụ đông, ngay từ đầu vụ mùa, gia đình bà đã chủ động gieo cấy giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ gieo trồng 1.500 m2 ngô đông. Tuy nhiên, lứa ngô đầu xuống bầu giống đúng vào đợt mưa kéo dài nên chết gần hết. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông, gia đình bà đã gieo trồng lại toàn bộ diện tích; đồng thời, đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc. Đến nay, các diện tích ngô đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch đúng thời vụ.
Bà Trần Thị Thu chia sẻ: "Ngay sau khi ngô chết đợt 1, gia đình đã tăng cường phân bón, trồng lại đợt 2. Từ ngày gieo trồng, gia đình đã bón thúc 3 lần, tuy một số diện tích vẫn chậm so với thời vụ nhưng cơ bản đều sinh trưởng tốt”.
Là một trong những thôn, bản đi đầu trong sản xuất vụ đông ở Thượng Bằng La, hàng năm, nhân dân thôn Cướm đều gieo trồng phần lớn cây trồng vụ đông trên đất 2 lúa. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích ngô có giảm nhưng nhân dân đã trồng thay thế bằng các diện tích rau màu. Vì vậy, vụ đông này, nhân dân trong thôn đã gieo cấy được hơn 3 ha ngô và 0,7 ha rau màu, đạt 100% kế hoạch xã giao. Để đảm bảo các diện tích cây vụ đông thu hoạch đúng khung thời vụ, thôn, bản đã động viên nhân dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Trưởng thôn Cướm Hoàng Đình Hối cho biết: "Để đảm bảo diện tích và hiệu quả sản xuất vụ đông, thôn đã chỉ đạo nhân dân chuyển sang trồng rau màu, hoặc chuyển trồng cỏ để chăn nuôi. Với sự tích cực của nhân dân, đến nay, nhân dân trồng đạt trên 3,5 ha, trong đó, ngô đông gần 3 ha, còn lại là rau màu. Tuy thời tiết bất lợi nhưng với sự đầu tư, chăm sóc của nhân dân, hầu hết các diện tích đều sinh trưởng và phát triển tốt, một số diện tích ngô đã bước vào thời kỳ chắc hạt”.
Vụ đông năm nay, xã Thượng Bằng La đưa vào kế hoạch gieo trồng 60 ha cây vụ đông trên đất 2 lúa, trong đó có 50 ha ngô đông. Tuy chủ động về cơ cầu giống lúa, mùa vụ gieo trồng nhưng do tác động bất lợi bởi thời tiết hồi đầu vụ đông nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất. Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, UBND xã đã chỉ đạo nhân dân chuyển một phần diện tích sang trồng rau màu và thả cá ruộng.
Mặt khác, tăng cường các diện tích trồng cỏ, trồng ngô để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi đại gia súc. Chính vì vậy, ngoài các diện tích rau màu trồng bổ sung, nhiều diện tích ngô đã được nhân dân gieo rải vụ để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Với sự chỉ đạo đúng hướng, nhân dân Thượng Bằng La đã khắc phục khó khăn, gieo trồng trên 100 ha ngô đông, hơn 20 ha rau màu và cá ruộng.
Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La chia sẻ: "Quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác sản xuất vụ đông, xã đã giao kế hoạch cụ thể cho từng thôn bản. Trước những khó khăn do thời tiết bất lợi và căn cứ điều kiện thực tế trong sản xuất vụ đông, xã vận động nhân dân chuyển một số diện tích trồng ngô đông lấy hạt sang trồng ngô, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc. Với việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở địa phương như hiện nay, việc trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cũng hoàn toàn phù hợp”.
Sau khi các xã, thị trấn vùng cánh đồng Mường Lò sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ, việc phát triển cây trồng vụ đông ở các xã, thị trấn còn lại đều gặp khó khăn do thời tiết bất thuận.
Việc tìm được cơ cấu giống cây trồng hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông là bài toán mà các ngành chức năng và nông dân Văn Chấn đang tiếp tục tìm lời giải. Trước mắt, mục tiêu phát triển cây vụ đông để chủ động nguồn thức ăn, phòng chống đói rét cho gia súc vẫn hết sức thiết thực.
Thực tế, chuyển mục đích gieo trồng ngô đông sang lấy thân và lá của nông dân Thượng Bằng La vừa đảm bảo thời vụ và vẫn mang lại giá trị kinh tế cao. Trồng ngô lấy lá không đòi hỏi nguồn giống thuần chủng, không đòi hỏi chế độ chăm sóc và thời vụ khắt khe. Vì vậy, người dân có thể chủ động nhu cầu chăn nuôi của gia đình để gieo trồng diện tích, thời điểm phù hợp giúp bảo vệ và thúc đẩy phát triển đàn gia súc của gia đình cũng như của địa phương.
Trần Van