Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: với tỷ lệ dân số ở khu vực nông thôn chiếm 80% và trên 70% lao động làm nông nghiệp, nên sản xuất nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như trong công cuộc giảm nghèo. Theo đó, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế địa phương, ngành nông nghiệp huyện được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới và đã đạt kết quả rất khả quan.
Sản xuất nông - lâm nghiệp ở huyện Văn Chấn đã được nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tập trung tư duy, dành nhiều tâm huyết. Vì thế, sản xuất được quy hoạch phát triển, hình thành rõ nét các vùng hàng hóa tập trung, có quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha, vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha, vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, vùng quế 8.400 ha, đàn gia súc chính gần 150.000 con; bình quân mỗi năm trồng mới 3.500 ha rừng, tạo nên vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng 20.000 ha.
Cách đây khoảng hai chục năm, khi mà giống lúa Tiên ưu, Nhị ưu cho năng suất và sản lượng tăng đột biến, người nông dân và không ít cán bộ còn đang say trong chiến thắng thì anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó Chủ tịch phụ trách nông - lâm nghiệp của huyện Văn Chấn đã nói với chúng tôi: "Huyện đang tuyên truyền, vận động bà con thay đổi giống lúa lai hiện nay”.
Thấy tôi quá bất ngờ, anh Đoàn giải thích: "Lúa lai năng suất cao nhưng chất lượng gạo không ngon, giá bán thấp nên chỉ giải quyết bài toán trước mắt là cân đối lương thực. Giờ đây, bài toán ấy đã giải xong, thì phải cấy giống lúa khác, cho chất lượng gạo dẻo, thơm, giá bán cao để nông dân có thu nhập khá từ cây lúa”.
Nhờ có tư duy và quyết sách đi trước, đón đầu như vậy, mà vùng Văn Chấn, Mường Lò hôm nay mới có sản phẩm hàng hóa gạo Nhật Bản, gạo Séng cù và nhiều giống lúa chất lượng cao nức tiếng; là món quà không thể thiếu cho du khách thập phương.
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và vùng nguyên liệu, đến nay, huyện Văn Chấn đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất đông dược, đầu tư cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn sinh học; trong đó, phải kể tới dự án FDI đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của Công ty Nippon Zoki - Nhật Bản nuôi thỏ công nghệ cao, quy mô 300.000 con/năm đã góp phần nâng cao năng lực cho nền kinh tế.
Cùng đó, việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được quan tâm và đã hình thành các chuỗi sản phẩm: cam, chè, cây dược liệu, gỗ rừng trồng; thực hiện các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể; đã có 6 sản phẩm chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có nếp Tú Lệ, ba ba gai Văn Chấn, chè Shan tuyết là những sản phẩm nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thành tựu trên lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp ở Văn Chấn là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhìn rộng ra toàn tỉnh thì huyện Văn Chấn vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong đó, phải kể tới mối liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân còn thiếu bền vững, chưa gắn kết chặt lợi ích, trách nhiệm của các bên với nhau; nông dân chưa thật nhạy bén, trình độ chưa cập, sản xuất còn manh mún, chạy theo nhu cầu của thị trường, làm ăn theo phong trào, sản phẩm làm ra nhiều thì đạt chất lượng thấp, giá bán không cao và ngược lại…
Cây cam là một thí dụ. Việc ồ ạt trồng cam, dẫn tới sản lượng tăng đột biến trong khi thời điểm thu hoạch quá ngắn, không có công nghệ chế biến, xử lý bảo quản sau thu hoạch, công tác thị trường không quan tâm… đã dẫn đến giá cam bị giảm.
Để khắc phục tình trạng trên, giúp nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, là trụ đỡ của nền kinh tế và để người nông dân giàu có trên chính mảnh đất của mình, bên cạnh việc trang bị kiến thức khoa học và công nghệ, kiến thức quản lý kinh doanh, chúng ta cần đẩy mạnh việc khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Cần có các bước tác động tạo chuyển biến mạnh mẽ để nhất quán về nhận thức từ người lãnh đạo, quản lý và nông dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp trong hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ, chế biến, đầu tư, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cần nhận thức rõ xu thế tất yếu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yêu cầu đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Nhà doanh nghiệp đến với nông nghiệp, nông thôn mang theo nguồn vốn, phương pháp quản lý, công nghệ và thị trường tiêu thụ, đồng lòng với họ là người nông dân với đất đai, lao động sẵn có. Nếu mối liên kết được thắt chặt thì đôi bên sẽ cùng hưởng lợi và tạo ra được hiệu ứng tích cực tác động lên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro, thời gian thu hồi chậm, đòi hỏi nhà đầu tư phải thực tâm huyết. Vì thế, tỉnh, huyện cần có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, phải có những giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư, tạo điều kiện giúp đỡ tối đa cho họ yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Lê Phiên