Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể; chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tuyên truyền Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương tới toàn thể cán bộ, đảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý HTX.
Cùng đó, huyện thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Trung ương, của tỉnh, cụ thể như: chính sách khuyến khích thành lập HTX; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, khuyến nông, khuyến công; tín dụng, thuế và tiếp cận vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, chính sách bảo hiểm.
Nhờ đó, hết năm 2020, toàn huyện có 36 HTX; trong đó, có 10 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, 1 HTX liên kết theo chuỗi. Nổi bật là mô hình liên kết nuôi ong lấy mật theo chuỗi giá trị của HTX Xây dựng và Dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải.
Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiện, HTX phát triển được gần 1.000 đàn ong. HTX cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp và được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Các thành viên đã nắm được kỹ thuật nuôi ong, khai thác, thu gom, phòng trị bệnh một cách khoa học, thay thế hoàn toàn cách nuôi truyền thống”.
Bên cạnh đó, các thành viên cũng tích cực góp vốn mua máy thủy phân để lọc mật, tách nước, diệt nấm, vi khuẩn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Cuối năm 2019, HTX đã đăng ký thành công thương hiệu "Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải”.
Đây là điều kiện để HTX tiếp tục mở rộng và đầu tư cho sản xuất. Sản phẩm của HTX đang tập trung vào mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa lúa nương… với giá bán 180 - 400.000 đồng/lít. Ngoài bán mật, HTX còn đẩy mạnh bán ong giống để tăng thêm thu nhập.
Đến nay, các thành viên của HTX đều có thu nhập ổn định. Hay như mô hình liên kết trồng hoa hồng của HTX Hoa hồng Nậm Khắt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả HTX và người dân trong vùng. Từ diện tích ruộng 1 vụ kém hiệu quả, HTX đã thuê lại với giá 35 triệu đồng/ha/năm và liên kết với người dân trồng giống hoa hồng Pháp cho thu nhập ổn định.
Hàng năm, ngoài tiền cho thuê ruộng người dân còn được HTX nhận vào làm và hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Theo lãnh đạo HTX, 1 ha trồng hoa hồng cho thu nhập cao hơn gấp 15 lần trồng lúa. Do đó, thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với người dân để mở rộng diện tích, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện Mù Cang Chải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất của các HTX trên địa bàn; đồng thời, thông qua các chính sách của trung ương, của tỉnh để hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, vốn sản xuất, khả năng quản lý, tiêu thụ sản phẩm...
Một trong những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các HTX là giúp hỗ trợ đăng ký sử dụng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.
Phòng Kinh tế Hạ tầng đã chủ động tham mưu với huyện tăng cường phối hợp tổ chức, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các HTX tìm được khách hàng tiềm năng, xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ ổn định.
Thời gian tới, huyện tiếp tục có những giải pháp trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các tổ chức liên kết sản xuất, nhằm hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện.
Hồng Duyên