OCOP là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Mặc dù mới được triển khai thực hiện từ năm 2019, nhưng Yên Bái đã triển khai tới tất cả các địa phương và với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, nhất là các sản phẩm đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh, có gia tăng giá trị…
Sản phẩm OCOP được xác định rõ do kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt, mục tiêu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi đạt tiêu chuẩn và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Định hướng đúng, cùng với đó là các cơ chế, chính sách phù hợp, gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP, nhờ vậy, năm 2019 - năm đầu triển khai thực hiện với sự nỗ lực cao độ Yên Bái đã có 8 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Đó là miến đao Giới Phiên; chè Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên Trấn Yên; bưởi Đại Minh; quế điếu Trấn Yên; nước lau sàn tinh dầu quế Văn Yên và nước rửa chén tinh dầu quế Văn Yên.
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2020 Yên Bái đã xây dựng phát triển và chuẩn hóa 86 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, riêng ngành nông nghiệp chủ trì thực hiện được 53 sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm gồm gạo Chiêm Hương (Văn Yên); cam, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn); tinh dầu quế hữu cơ, măng tre Bát độ (Trấn Yên); cam Lục Yên; cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, chè Hương Lý (Yên Bình)… Nhóm đồ uống có rượu Bách chi (thị xã Nghĩa Lộ); trà táo mèo Shan Thịnh (Văn Chấn). Nhóm may mặc có thổ cẩm (Nghĩa Lộ)…
Để được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm trên phải trải qua quy trình đánh giá, phân hạng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Có thể nói, các sản phẩm OCOP đã được chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh đều có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể… ngày càng chiếm lĩnh được thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.
Cùng với phát triển sản phẩm, các ngành, các cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện khá tốt việc thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại, đã có nhiều sản phẩm vào được hệ thống siêu thị lớn như Big C Hà Nội.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng thường xuyên xây dựng các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương mình tại các sự kiện, hội nghị… Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, xây dựng gian trưng bày, bán hàng tới người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Văn Yên và Lục Yên…
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy, hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa thực sự thỏa đáng, phần lớn các sản phẩm chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định. Trong thực tế nhu cầu sử dụng, mua sắm, nhất là các mặt hàng nông - lâm thổ sản của người dân nội tỉnh là rất lớn, nhưng còn có quá ít điểm bán, điểm giới thiệu.
Việc hình thành các điểm bán giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, ngành công thương, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan tăng cường kết nối giao thương giữa cơ sở sản xuất với đơn vị phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường ngoài tỉnh nhưng cũng đừng "bỏ ngỏ” thị trường nội tiêu.
Thông qua các điểm giới thiệu, điểm bán hàng cũng như quảng bá sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông thôn tiêu biểu của Yên Bái sẽ tiếp cận được nhiều hơn tới khách hàng, làm cơ sở để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể, bà con nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất nhiều hơn nữa các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Trúc