Dự án đã thực hiện sản xuất 8,54 ha/11,86 ha với diện tích gieo trồng 38,03 ha/59,5 ha gồm 5 vụ trong 2 năm tại 3 xã: Âu Lâu, Văn Phú, Tuy Lộc.
Dự án đã cấp cho các hộ dân 1,3 tấn giống rau các loại, 2.049 quả su su giống; 47,79 tấn phân bón, 3.254 gói thuốc bảo vệ thực vật, 354,5 kg màng phủ nông nghiệp; cấp cho các hợp tác xã 3,49 tấn bao bì, 206.000 tem nhãn.
Hoạt động của 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn được nâng cao theo mô hình HTX kiểu mới có sự liên kết hợp tác với nhau trong cung ứng bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 3 HTX theo quy trình sản xuất rau an toàn, diện tích được cấp giấy chứng nhận 85.480,5 m2. HTX Sản xuất rau an toàn xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu và HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Phú đã tổ chức ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với 79 hộ tham gia Dự án; ký kết hợp đồng cung ứng với 20 đơn vị, trường học, nhà hàng.
Về hiệu quả kinh tế, năng suất trung bình của Dự án đạt 16,6 tấn/ha, cao hơn so với năng suất sản xuất đại trà trên địa bàn thành phố là 0,6 tấn/ha với tổng sản lượng đạt 633,98 tấn. Với mức giá bình quân rau an toàn là 8.000 đồng/kg, cao hơn rau sản xuất đại trà từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, tổng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác trung bình đạt 390 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất rau đại trà khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người sản xuất.
Dự án đã giúp các hộ nông dân nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo phương pháp tăng cường sử dụng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng phân hóa học, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật…
Các thành viên của 3 HTX đều thực hiện theo đúng các quy trình, quy định về sản xuất rau an toàn, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp, an toàn và bền vững dưới sự hướng dẫn, giám sát của Ban Quản trị HTX, cán bộ Trung tâm, cán bộ phụ trách nông nghiệp các xã. Người dân cũng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn. Tham gia Dự án tạo cho các hộ thói quen ghi chép sổ nhật ký sản xuất.
Dự án bước đầu tạo ra một lượng rau đảm bảo an toàn thực phẩm thay thế rau đại trà chưa được công nhận rau an toàn cung ứng cho người tiêu dùng, từng bước tạo dựng uy tín, đặc biệt dần thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp.
Các hộ dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, không còn tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn đã giảm đáng kể tác động xấu đến môi trường, bảo vệ và phát triển tốt hơn các đối tượng ký sinh và thiên địch của sâu bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Dự án đã tạo ra khối lượng sản phẩm tương đối đồng nhất và có chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn trăm lao động nông thôn tại 3 xã, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất rau an toàn.
Nguyễn Thơm