Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8.890 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.453 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, 2.513 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.893 cơ sở dịch vụ ăn uống, 458 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trong nhà thuốc, 39 cơ sở nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá dùng liền, 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 1.094 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, 700 cơ sở sản xuất rượu thủ công...
Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến từ thịt như giò chả, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy… hầu hết làm từ phương thức sản xuất, chế biến thủ công. Bên cạnh đó, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn tồn tại một số tập tục lạc hậu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 723 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chưa có cơ sở giết mổ tập trung.
Đồng chí Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Năm 2020, các ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) 4.430 cơ sở, đã phát hiện 903 vi phạm, xử phạt hành chính 605 cơ sở với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 585 triệu đồng và có 298 cơ sở bị nhắc nhở. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ để xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với 16 người mắc; không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Qua công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc không đảm bảo ATTP chủ yếu vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, quy định điều kiện về con người, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, bán buôn, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP dịp tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 56/UBND-VX, ngày 11/1/2021 yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và mùa lễ hội sắp tới.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng thực phẩm.
Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý về ATTP.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; đồng thời, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP bị xử lý theo quy định.
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, việc đảm bảo ATTP là yêu cầu bức thiết. Vấn đề đặt ra chính là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm ATTP. Song song với hoạt động tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải trang bị những kiến thức ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình khi tết đến, xuân về.
Đức Toàn