Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Trấn Yên tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của đại phương.
Song song với định hướng đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trấn Yên sẽ tập trung phát triển "Chỉ dẫn địa lý”, xây dựng "Nhãn hiệu tập thể”; "Nhãn hiệu chứng nhận” cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản đặc sản, có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo lập và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong giai đoạn tới, huyện Trấn Yên chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng chủ lực phù hợp với lợi thế của từng xã và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, để nông nghiệp phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện ưu tiên có chính sách hỗ trợ các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp....
Với mục tiêu tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, huyện Trấn Yên đã thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, hiệu quả; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với nâng cao giá trị, chất lượng các vùng nguyên liệu, các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị.
Trấn Yên phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng bình quân đạt 3,5%/năm; trong đó, nông nghiệp đạt 1.000 tỷ đồng, tăng bình quân 3,3%/năm; lâm nghiệp đạt 540 tỷ đồng, tăng bình quân 3,5%/năm; thủy sản đạt 60 tỷ đồng, tăng bình quân 4,6%/năm; phấn đấu đến năm 2025 các sản phẩm chủ lực của huyện đều có tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 20 sản phẩm OCOP của huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao; có từ 3 - 5 sản phẩm nông nghiệp của huyện xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh chia sẻ: "Đào Thịnh hiện có 4 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác đang dần thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế hộ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đến nay, trên địa bàn đã có 1 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX Quế hồi Việt Nam được chứng nhận 4 sao và trong giai đoạn tới chúng tôi phấn đấu sẽ có từ 3 - 5 sản phẩm OCOP từ quế, dâu tằm, cây ăn quả để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Huyện Trấn Yên phấn đấu năm 2025 giá trị chăn nuôi thủy sản đạt 60 tỷ đồng. Trong ảnh: Nuôi cá lồng tại HTX Cá xã Việt Thành.
Nghề trồng dâu nuôi tằm và các sản phẩm từ kén tằm vẫn được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực. Những năm tiếp theo, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu, nuôi tằm và chế biến kén tằm; mở rộng diện tích trồng dâu; đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp để cung ứng tằm giống và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân hướng tới sản xuất bền vững; hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa tại xã Báo Đáp; phấn đấu đến năm 2025, vùng trồng dâu nuôi tằm đạt trên 1.200 ha tập trung tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Quy Mông, Hưng Khánh, Hồng Ca, Y Can; sản lượng kén tằm đạt trên 2.000 tấn, giá trị trên 200 tỷ đồng.
Trong chăn nuôi, Trấn Yên tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, có sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm; phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa quy mô trang trại theo chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025 đàn gia súc chính đạt 110.000 con; mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản có giá trị cao; khai thác phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Vân Hội. Ngoài ra, huyện tiếp tục phát triển diện tích cây dược liệu tại các xã: Đào Thịnh, Cường Thịnh, Việt Hồng, Kiên Thành, Hồng Ca.
Đối với sản phẩm măng tre Bát độ, trong giai đoạn tới, phấn đấu trồng mới và trồng thay thế 500 ha, phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu tre măng Bát độ theo hướng bền vững gắn với phát triển chuỗi liên kết giá trị; xây dựng vùng sản xuất thâm canh tập trung tại xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh với diện tích 4.000 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn.
Các sản phẩm từ cây quế cũng được huyện xác định là chủ lực, những năm tới, khuyến khích các địa phương xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu quế trên 16.000 ha; trong đó, diện tích quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 10.000 ha gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Với những mục tiêu cụ thể được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chủ trương lớn của Nhà nước như các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với đặc điểm điều kiện thực tế của địa phương
Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ; hỗ trợ HTX, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp, công nghiệp, nhất là dự án liên kết hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; tạo quỹ "đất sạch” để doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến.
Ngoài ra, thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tăng cường mở các lớp tập huấn để đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khai thác lợi thế của từng vùng, địa phương để thực hiện tốt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”; tiếp tục tăng cường liên kết, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nông sản của Trấn Yên, đặc biệt là các nông sản chủ lực, có giá trị cao; triển khai thực hiện tốt các mối liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” góp phần giúp doanh nghiệp và nông dân có cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
Anh Dũng