EVFTA - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2021 | 7:54:11 AM

YênBái - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Yên Bái đã xác định 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực có nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường EU.

Sản xuất gỗ ván thanh tại Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên.
Sản xuất gỗ ván thanh tại Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên.

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên.

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu Yên Bái có bước đi phù hợp, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị của sản phẩm xuất khẩu để vào thị trường EU với 27 nước, khoảng 500 triệu dân.

Yên Bái xác định có 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm: gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ; hạt nhựa và chất dẻo; quặng và khoáng sản; nông sản; dệt may, có nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường EU không phải dễ dàng bởi yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm; trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) của Yên Bái chủ yếu là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh  chưa  cao. 

Do vậy, ngoài việc tìm hiểu các quy định cụ thể đối với từng ngành hàng của mình và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tập trung chế biến sâu các sản phẩm xuất khẩu để nâng cao giá trị và được hưởng các ưu đãi về thuế quan; đồng thời, cần nêu cao trách nhiệm tự bảo vệ sản phẩm xuất khẩu của mình, không tham gia các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa để nước khác trục lợi từ EVFTA. 

Cụ thể như, đối với nhóm hàng gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, theo lộ trình khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ sẽ giảm từ 6% xuống còn 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; còn 17% dòng thuế còn lại sẽ giảm trong 5 năm sau đó. Là DN chuyên sản xuất ván ghép thanh với mục tiêu là xuất khẩu sang thị trường EU, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, DN Tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên đã chủ động nghiên cứu thị trường, khách hàng và các điều kiện Hiệp định đặt ra để làm sao tiếp cận thị trường tiềm năng này nhanh nhất. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa - chủ DN Tư nhân Đăng Khoa cho biết: "Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến việc bảo vệ phát triển rừng; có yêu cầu cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp; do vậy, DN chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát về nguồn gốc gỗ; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường; đáp ứng quy tắc ứng xử; ngoài yếu tố mẫu mã, DN phải nâng cao năng lực sản xuất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập lại hệ thống quản lý chất lượng, quản lý DN để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu EU”. 

Năm 2020, Yên Bái có gần 2.400 DN nhưng chủ yếu là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh chưa cao nên khi xâm nhập vào thị trường EU sẽ gặp những khó khăn, thách thức. Cụ thể như, nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ và thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ EU hoặc từ Việt Nam). 

Đây là một thách thức lớn đối với DN, bởi nguồn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường, nhân công, chính sách an sinh xã hội... của EU rất khắt khe, không dễ để thực hiện. 

Cùng đó, khả năng thay đổi để thích ứng với EVFTA của các DN hạn chế do có rất nhiều DN khó cải thiện về điều kiện lao động, khó đầu tư để đổi mới công nghệ, khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa... Việc nghiên cứu, cập nhật chính sách, mặt hàng, tìm hiểu về rào cản kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU của các DN Yên Bái cũng còn hạn chế... 

Để doanh nghiệp Yên Bái tiếp cận với hành lang pháp lý mà Hiệp định ký kết, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND triển khai thực thi Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh; xác định rõ từng nhóm công việc để giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp liên quan tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới; tham mưu giúp tỉnh chỉ đạo các DN từng bước chuyển hướng thị trường xuất khẩu, khắc phục việc phụ thuộc vào một thị trường, mục tiêu từ năm 2020 - 2025 mỗi nhóm sản phẩm xuất khẩu tìm kiếm, mở rộng được từ 1 - 2 thị trường mới... 

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải, các DN cần nhanh chóng đầu tư nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm hàng hóa để tăng tính cạnh tranh, do tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng vào thị trường EU rất cao. Cùng đó, mỗi DN xuất khẩu cần chủ động nắm vững các nội dung của EVFTA, đặc biệt là các cam kết liên quan đến thuế quan gắn với quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng tốt cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái doanh nghiệp Hiệp định Thương mại EVFTA

Các tin khác
Trang trại chăn nuôi gà quy mô trên 1.000 con/lứa của một hộ nông dân xã Hòa Cuông.

Huyện ưu tiên có chính sách hỗ trợ các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp....

Trung Quốc siết chặt kiểm dịch hàng đông lạnh do lo ngại lây nhiễm Covid-19. (Ảnh: Minh hoạ).

Trung Quốc vừa thông báo việc kiểm tra và khử trùng phòng dịch Covid-19 đối với hàng hóa được vận chuyển trong container tại biên giới.

Trang trại dê của gia đình ông Chang Sông Lử ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, phương thức chăn nuôi của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa cuối năm.

Gần tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục