Dấu ấn trong gian khó
Dù bị "tấn công” từ nhiều phía nhưng Yên Bái đã vững vàng duy trì tốt không để dịch bệnh Covid-19 xảy ra, trên địa bàn không phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, nhưng tốc độ tăng GRDP của tỉnh (giá so sánh 2010) năm 2020 vẫn đạt 5,41% (xếp 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc). Đặc biệt, xã hội ổn định, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hết sức thành công đại hội đảng bộ các cấp, được Trung ương đánh giá cao.
Đây chính là những dấu ấn hết sức ấn tượng. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 319.771 tấn, bằng 103,2% kế hoạch; chè búp tươi đạt 74.001 tấn, bằng 100% kế hoạch; trồng mới 16.731 ha rừng, bằng 104,6% kế hoạch; 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 120% kế hoạch.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 11.878 tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch; cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm 5,2%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 18.766 tỷ đồng, bằng 91,5% kế hoạch, tăng 4,8% so với năm 2019. Dù thị trường nhiều nơi đóng băng, song giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 164,2 triệu USD, bằng 78,2% kế hoạch.
Trong năm, đón 760.000 lượt khách du lịch, bằng 131,8% kế hoạch (khách quốc tế đạt 7.488 lượt); doanh thu ước đạt 475 tỷ đồng, bằng 136.1% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 3.615,5 tỷ đồng, bằng 109,6% kế hoạch, tăng 2% so với năm 2019. Năm 2020, có 275 doanh nghiệp, 90 hợp tác xã, 1.257 tổ hợp tác được thành lập mới. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 16.173 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước 6.031 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước 7.900 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.269 tỷ đồng), bằng 101,1% kế hoạch, tăng 14,5% so với năm 2019…
Cùng phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định và nâng lên. Trong khó khăn, vẫn có 20.900 lao động được tạo việc làm mới; tuyển mới và đào tạo nghề cho 18.190 người; chuyển 7.810 lao động từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Có 1.162 hộ người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở được hỗ trợ làm mới và sửa chữa căn nhà cho các đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,52% so với năm 2019, trong đó huyện Trạm Tấu giảm 7,91% và Mù Cang Chải giảm 8,54%...
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo vượt cấp; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài được triển khai hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được làm tốt. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế được đảm bảo.
Quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo
Kết quả trên là sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Trong đó, bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc” và triển khai các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành kịch bản chi tiết ứng phó với 5 cấp độ dịch bệnh; thực hiện các thông cáo báo chí hàng ngày; thành lập 22 đội phản ứng nhanh; 1.368 tổ công tác tự quản tại các thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện quyết liệt việc nắm bắt, theo dõi, sàng lọc, tổ chức cách ly các đối tượng theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí từ ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tổng số trên 44 tỷ đồng (trong đó: ngân sách cấp tỉnh 31 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 13 tỷ đồng).
Hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 219. 884 người thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ với tổng kinh phí trên 186 tỷ đồng, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Với quyết tâm cao không lùi bước trước khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép”, Yên Bái đã không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 mà thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Trong đó, cùng thực hiện quyết liệt Chương trình hành động 190 về việc thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020 và Kế hoạch 170 về giảm nghèo bền vững của Tỉnh ủy Yên Bái, lĩnh vực nông lâm nghiệp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chủ động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 như: thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2020-2025; ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh…
Trong sản xuất công nghiệp, tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tích cực vận động, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án phát triển sản xuất công nghiệp. Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường.
Ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Cùng với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của HĐND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2020 để ứng phó với dịch Covid-19.
Tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; ưu tiên ngân sách cho nhiệm vụ phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai, nhiệm vụ an sinh xã hội.
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển quỹ đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất thu ngân sách năm 2020. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới…
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2020, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Phục vu hành chính công cấp huyện, cấp xã đúng hạn và trước hạn đạt 99,99%.
Phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
Những kết quả đạt được trong năm 2020 thể hiện đúng bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn biết phấn đấu vươn lên, không lùi bước trước khó khăn. Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng và khai thác hiệu quả Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân gắn với thực hiện giảm nghèo nhanh và bên vững. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách tư pháp, phòng, chống tham những, lãng phí… Tất cả nội dung trên hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đình Tứ