Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp theo quy hoạch. Lãnh đạo huyện và các ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển một cách hiệu quả.
Nhờ vậy, sản xuất CN - TTCN luôn giữ được nhịp độ sản xuất, giá trị sản xuất tăng theo hàng năm. Năm 2020, là năm nhiều khó khăn, không ít địa phương không hoàn thành kế hoạch, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp Trấn Yên vẫn phát triển ổn định, tăng khá so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 912 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực ngoài Nhà nước đạt 830 tỷ đồng, bằng 100,7% so với kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp khu vực Nhà nước ước đạt 1,1 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt trên 81 tỷ đồng, bằng 95,1% so với kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm có khối lượng và giá trị lớn là: chè chế biến đạt 4.320 tấn, gỗ ván bóc đạt 47.766 m3, gỗ ván dán đạt 14.595 m3, ván ghép thanh đạt 2.779 m3, tinh dầu quế đạt 40 tấn, quặng sắt đạt trên 86.000 tấn, quặng cầu viên đạt 105.000 tấn, gạch xây dựng các loại trên 14 triệu viên, thép hộp các loại đạt gần 23.000 tấn, may mặc đạt gần 14 triệu sản phẩm.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, Trấn Yên không ngừng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng cho sản xuất và thu hút đầu tư. Trong năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 2.120 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước ước đạt 565 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển ngoài Nhà nước đạt 1.555 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng 181 dự án (47 dự án chuyển tiếp; 134 dự án khởi công mới), kiên cố hóa và đưa vào sử dụng 52,86 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bằng những cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng, hạ tầng giao thông, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngày càng đa dạng và phát triển theo hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn với các hoạt động dịch vụ.
Trong năm, huyện thành lập mới 25 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 176 tổ hợp tác và 185 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký trên 168,3 tỷ đồng. Đưa tổng số đơn vị, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện lên 2.416 cơ sở, với tổng vốn đăng ký trên 3.489 tỷ đồng. Trong đó, có 157 doanh nghiệp; 62 hợp tác xã; 1.691 hộ kinh doanh và 506 tổ hợp tác.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với số vốn đăng ký đầu tư trên 1.103 tỷ đồng.
Một số dự án có vốn đầu tư lớn là: Dự án Nhà máy Cưa xẻ sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu plywood của Công ty TNHH Một thành viên năng lượng An Việt Phát với vốn đăng ký trên 313 tỷ đồng; Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu Công ty TNHH Một thành viên An Việt Phát vốn đăng ký 452 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng Kaolin - Fenspat Công ty cổ phần Khoáng sản Ngọc Viễn Đông Xanh vốn đăng ký 44 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến thạch anh VietQuartz Yên Bái, vốn đầu tư 289 tỷ đồng… Đầu tư phát triển hạ tầng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp đã góp phần tạo việc làm mới cho 2.370 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống 2,03%.
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo huyện tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, để tăng khả năng tiếp nhận và thu hút đầu tư; trong đó, ưu tiên các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, giải quyết việc làm tại chỗ.
Thanh Phúc