Khi những đóa hoa tớ dày bung sắc giữa đại ngàn, những cành hoa mận, hoa mơ nhuộm trắng những vạt rừng, đường thôn, ngõ xóm là lúc báo hiệu mùa xuân về. Từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ai ai cũng tất bật sửa sang, dọn dẹp nhà cửa để đón tết cổ truyền. Lang thang dọc những con đường xuân với lung linh sắc màu cờ, hoa mới thấy cảnh xe, người nhộn nhịp ngược xuôi. Dường như xe nào cũng vội vã hơn để đón những người con xa xứ về quê vui xuân, đón tết.
Một mình với "con ngựa sắt” trên những con đường vừa được sửa chữa, nâng cấp ở các huyện, thị miền Tây, tôi như bị "hút hồn” trước bạt ngàn màu xanh của các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu; được ngắm thửa ruộng bậc thang trải dài dưới mây trời hùng vĩ… Dọc tuyến quốc lộ 32, 37, tỉnh lộ 163, 166, 174…, những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng tấp nập lại qua.
Nhìn những chuyến xe xuôi ngược, những con đường liên xã, liên thôn được đầu tư nối thông làm giao thương thuận tiện mà tôi cũng như người dân Yên Bái mừng vui, tự hào khôn xiết. Mừng vì giao thông ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, đó là đường Âu Cơ hiện đại, khang trang như một "mắt xích” quan trọng kết nối toàn tỉnh với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng chiều dài tuyến đường là 15,4 km; trong đó, tuyến chính dài 11,4 km, tuyến nhánh dài 4 km, được thiết kế theo quy mô xây dựng đường đô thị với 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa giao cắt với cầu Tuần Quán, đường Âu Cơ tạo thuận lợi cho việc phát triển thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên sang phía hữu ngạn sông Hồng và là động lực thu hút đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trung tâm hành chính, khu công nghiệp tại các xã, phường thuộc hữu ngạn sông Hồng.
Ngược theo sông Hồng, thấy cầu Tuần Quán, Bách Lẫm vươn dài tạo thế "song long” đưa thành phố hai bên sông bước sang một giai đoạn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Rồi kia là cầu Cổ Phúc đang nhộn nhịp người xe qua lại trong cờ hoa, băng rôn đỏ tươi bay trong gió. Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh nhưng lại là cây cầu được người dân huyện Trấn Yên mong đợi bao năm.
Giờ đây, hàng nghìn người dân Trấn Yên ở đôi bờ sông Hồng sẽ đi lại thuận tiện, an toàn hơn và không còn cảnh chờ đợi, tốn thời gian, tiền bạc cho những chuyến đò ngang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mỗi khi mưa lũ, mở ra cơ hội lớn, tạo đà bứt phá đi lên đối với các xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bên phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên như Minh Tiến, Quy Mông, Kiên Thành... và tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương mang tính kết nối liên vùng.
Thật tự hào về quê hương Yên Bái, dù là tỉnh nghèo, địa hình phức tạp nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai, xây dựng; đặc biệt là hệ thống đường giao thông không ngừng được hoàn thiện.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành, đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được 138,5 km đường tỉnh; trên 73 km đường đô thị và trên 3.359 km đường giao thông nông thôn; trong đó, kiên cố được trên 1.019 km đường bê tông, mở mới, mở rộng được trên 185 km...
Cùng đó, nhiều dự án quan trọng về hạ tầng giao thông mang tầm chiến lược, liên kết vùng của tỉnh và với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đang được triển khai như: đường nối quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi tỉnh lộ 174 lên huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La); đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái… khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông liền mạch, khép kín, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân.
Hệ thống giao thông phát triển là động lực quan trọng đánh thức tiềm năng kinh tế của nhiều vùng, nhiều địa phương trong tỉnh. Nhìn vào số liệu thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy, kinh tế - xã hội Yên Bái phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt; tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm); quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%), GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng).
Đi dọc những "con đường mùa xuân”, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây. Những con đường như được mặc chiếc áo mới, màu nắng mới đầy ánh xuân, nhộn nhịp người xe đi lại. Khi mạch máu giao thông thông suốt sẽ góp phần quan trọng cho kinh tế - xã hội phát triển.
Hùng Cường