Trên cánh đồng thôn Nghĩa Giang, xã Lang Thíp, gia đình ông Nguyễn Doãn Hòa đang tập trung làm đất để gieo mạ. Ông Hòa cho biết: "Gia đình tôi có 1,5 mẫu ruộng. Vụ xuân này, gia đình tôi tập trung gieo cấy toàn bộ diện tích bằng giống lúa Hương Chiêm. Gia đình tôi chuẩn bị chu đáo từ khâu ngâm ủ giống đến gieo mạ và tuân thủ nghiêm kế hoạch gieo cấy theo chỉ đạo của xã”.
Vụ xuân 2021, xã Lang Thíp phấn đấu gieo cấy 160 ha lúa; trong đó, lúa lai chiếm 60% diện tích, còn lại là giống lúa thuần chất lượng cao.
Ông Lê Minh Lập – Chủ tịch UBND xã Lang Thíp cho biết: "Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích lúa xuân sẽ gieo cấy sau tết Nguyên đán, do đó, ngoài việc chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ đông, giải phóng đất, xã còn hướng dẫn nhân dân kỹ thuật thâm canh cải tiến như: cấy thưa, bón phân đúng quy trình; đồng thời, kiên quyết chỉ đạo nhân dân không gieo cấy sớm, trước thời vụ để tránh tình trạng lúa bị sâu, bệnh, ảnh hưởng đến năng suất”.
Năm 2021, huyện Văn Yên phấn đấu gieo cấy 2.950 ha lúa xuân, phấn đấu năng suất đạt 54,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn. Cơ cấu giống gồm các giống như: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Hương Chiêm, HT1, TRB225, Thiên ưu 8, JO2...
Các xã vùng thấp bố trí 60% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa thuần chất lượng cao như: Hương Chiêm, HT1; đặc biệt, vùng Đại - Phú - An bố trí 100% diện tích lúa thuần được gieo cấy bằng giống lúa Hương Chiêm.
Về thời vụ, đối với các xã vùng thấp, thời gian cấy tập trung sau tiết lập xuân ngày 3/2/2021, cấy trước tết Nguyên đán và kết thúc cấy ngày 15/2/2021. Đối với các xã vùng cao, cấy trước và sau tết Nguyên đán, phấn đấu kết thúc trước 10/3/2021.
Để đạt mục tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương vận động nhân dân tập trung thu hoạch vụ đông để khẩn trương làm đất gieo cấy lúa xuân; hướng dẫn nông dân chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ che chắn phòng chống rét cho mạ; tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày, đêm xuống dưới 15 độ C; điều tiết nước, bón phân cân đối, hợp lý; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân vi lượng, vôi bột để tăng khả năng chống chịu, phòng chống sâu, bệnh hại, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho cây lúa.
Những diện tích lúa không trồng cây vụ đông cần sớm cày lật đất để ải, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế cỏ dại, nguồn sâu, bệnh.
Đối với diện tích trồng ngô, bà con cần thu hoạch sớm khi ngô đã chín khoảng 80%, khẩn trương làm đất gieo cấy lúa xuân, chủ động phương án chuẩn bị giống lúa ngắn ngày đề phòng trường hợp có lúa, mạ bị chết do thiên tai.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Huyện xác định vụ xuân năm nay sẽ khó khăn do hạn hán, rét đậm, rét hại, tình trạng thiếu nước sản xuất có thể xảy ra. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung nạo vét kênh mương, gia cố các công trình đầu mối.
Các xã cần xây dựng và chỉ đạo nghiêm túc lịch gieo cấy để điều tiết nước hợp lý; đồng thời, thực hiện việc tưới luân phiên và áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm mạ khay, mạ sân để tiết kiệm nước.
"Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi cần phối hợp với UBND các xã lập quy trình điều tiết nước các hồ chứa, xây dựng phương án cấp nước, phương án chống hạn để chủ động phòng chống hạn; có kế hoạch chăm sóc, phòng chống sâu, bệnh cho toàn bộ diện tích lúa sau cấy ” - ông Thủy nói.
Thanh Tân