Sáng mùng 5 tết, ông Hà Kế Quyết ở thôn Ao Luông, xã Sơn A ra đồng chăm sóc lúa xuân và ông cho biết: "Gia đình tôi có 3.400 m vuông ruộng. Vụ xuân này, tôi gieo cấy toàn bộ bằng giống Nghi hương 305 và Séng cù để làm lúa hàng hóa. Lúa cấy trước tết và nhờ thời tiết thuận lợi nên sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, lúa bắt đầu bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Để có một vụ xuân đạt năng suất cao, tôi chủ động bón phân đợt 1 và phòng trừ các loại sâu bệnh, chuột, ốc bươu vàng”.
Sơn A là xã có diện tích lúa xuân tương đối lớn, với trên 194 ha; trong đó, 125 ha lúa hàng hóa. Để vụ xuân đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng, sau khi bà con gieo cấy xong, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với trưởng các thôn tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thăm đồng, tập trung bón thúc khi lúa bước vào đẻ nhánh; tập trung phòng trừ tốt các loại sâu bệnh gây hại.
Ông Sầm Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Vụ xuân là vụ cho năng suất cao. Tuy nhiên, với tình hình khí hậu thời tiết thất thường như hiện nay dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại. Bởi vậy, trước tết xã có công văn chỉ đạo nông dân sau khi cấy tích cực chăm sóc, đặc biệt là không để bị thiếu nước, sâu bệnh gây hại. Đồng thời, sau những ngày nghỉ tết, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với trưởng các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân ra đồng chăm sóc lúa”.
Vụ xuân 2021, thị xã gieo cấy trên 2.076 ha, năng suất phấn đấu đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng trên 12.089 tấn. Vùng sản xuất lúa hàng hóa phấn đấu đạt từ 1.000 ha trở lên, với các giống lúa chất lượng cao gồm: Nghi hương 305, Séng cù, Hương chiêm; diện tích còn lại là giống lúa thuần và chủ yếu là Nhị ưu 838, Hương chiêm, HT1 và giống khác.
Bên cạnh đó, thị xã cũng thực hiện dự án sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích gần 236 ha gồm các giống: Séng cù, Hương chiêm, J02. Bên cạnh đó, thị xã còn sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới; triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại các đơn vị tham gia dự án sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, diện tích 100 ha và cơ cấu giống gồm Séng cù, Hương chiêm.
Toàn bộ diện tích lúa xuân đều gieo cấy xong trước tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên toàn bộ diện tích đều sinh trưởng, phát triển tốt và đang đẻ nhánh.
Với tinh thần vui xuân không quên công việc, ngay từ mùng 5 tết nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã ra đồng bón phân, làm cỏ và theo dõi tình hình sâu bệnh hại lúa.
Năm nay, sản xuất vụ xuân được đánh giá là khó khăn bởi ảnh hưởng nhiều của thời tiết như có những ngày rét đậm rét hại; những ngày gần tết và trong tết nắng nóng; một số diện tích cấy sớm lúa phát triển nhanh.
Do đó, nếu không chăm bón kịp thời thì lúa sẽ có nguy cơ phân hóa đòng và trỗ bông sớm, dẫn đến tình trạng khi gặp rét cuối vụ dễ ảnh hưởng đến năng suất. Hơn nữa, thời tiết nắng ấm cũng là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cho biết: theo sự chỉ đạo của UBND thị xã, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã tăng cường hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại đến với nông dân các địa phương thông qua tổ chức các lớp tập huấn, in phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.
Phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuẩn bị đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất của nông dân; cử cán bộ bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc lúa.
Kiểm tra, phát hiện tình hình sâu, bệnh hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời; phối hợp tốt với các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân sau tết tập trung ra đồng chăm sóc lúa, không để tình trạng mải vui xuân bỏ bê đồng ruộng.
Tuy nhiên, diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh, lây lan trên điện rộng. Vì vậy, các địa phương cần tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ, duy trì mực nước trên mặt ruộng.
Tranh thủ thời tiết nắng ấm để bón thúc kịp thời cho lúa, bón ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh bằng phân NPK chuyên thúc và bón nặng đầu nhẹ cuối với những diện tích lúa chậm sinh trưởng; sử dụng các dạng phân bón qua lá có hàm lượng lân cao, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng; cử cán bộ chuyên môn thường xuyên tiến hành thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Thanh Tân