Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào toàn dân tham gia "Tết trồng cây”. Từ phong trào "Tết trồng cây”, những năm qua, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sống. Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào Tết trồng cây với việc trồng và bảo vệ rừng.
Từ phong trào "Tết trồng cây”, hàng năm các địa phương trong tỉnh đã trồng mới được trên 15.000 ha rừng tập trung. Năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của nông dân, các thành phần kinh tế, toàn tỉnh trồng mới 16.730 ha, đạt 104,6% kế hoạch giao, duy trì độ che phủ của rừng 63%, đứng thứ 4 toàn quốc về độ che phủ của rừng.
Nhờ phát triển trồng rừng, đến nay toàn tỉnh đã có trên 188.000 ha rừng trồng sản xuất với sản lượng gỗ khai thác mỗi năm đạt khoảng nửa triệu mét khối, đưa Yên Bái trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng và cả nước về trồng và chế biến rừng sản xuất. Cùng với trồng rừng, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC cho trên 4.000 ha rừng trồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, nhất là phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Những cánh rừng ngày càng nhân rộng cũng đồng nghĩa cái đói, cái nghèo ở thôn bản ngày một đẩy lùi.
Trồng rừng keo cách đây hơn 10 năm, giờ đây, gia đình ông Nghiêm Xuân Thành ở thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình chỉ cần tỉa cành, chặt những cây nhỏ để bán cũng thu được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi lên thăm cánh rừng keo xanh ngút ngàn rộng gần chục héc - ta, chỉ tay vào thân cây keo có đường kính lớn, ông Thành chia sẻ: "Muốn nhanh có thu nhập thì trồng rừng gỗ nhỏ, còn muốn làm giàu và rừng tạo ra giá trị kinh tế cao thì phải là trồng rừng gỗ lớn. Hiện, người ta trả cánh rừng này 1,2 tỷ đồng rồi nhưng tôi chưa bán. Nhờ gắn bó với rừng, gia đình tôi cũng có của ăn, của để nên tôi để rừng keo này đến khi nào cây không phát triển được nữa thì lúc đó mới tính. Giờ chỉ tỉa thưa rừng gia đình tôi có cuộc sống tốt rồi”.
Phát huy kết quả đạt được, năm nay, toàn tỉnh dự kiến trồng mới trên 15.500 ha rừng các loại. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh đã sớm giao chỉ tiêu, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị địa điểm, cây giống, vật tư lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng.
Đặc biệt, để thực hiện tốt phong trào Tết trồng cây, tỉnh đã tổ chức phát động các ngành, các đoàn thể tham gia trồng cây; tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về mục đích và ý nghĩa của tết trồng cây.
Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 được tỉnh Yên Bái tổ chức vào ngày 17/2/2021 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Tân Sửu) tại thôn Vạn Xuân, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.
Sau Lễ phát động, đại biểu sẽ tham gia trồng trên 1.600 cây xanh tại khu vực, trong đó có 1.400 cây keo và 400 cây lát trồng xen kẽ. Cùng thời điểm này, các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh đồng loạt ra quân trồng rừng tập trung "Tết trồng cây” phù hợp với thực tế địa phương.
Chúng tôi tới huyện Yên Bình, nơi có phong trào trồng rừng phát triển mạnh, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Năm nay, huyện Yên Bình phấn đấu trồng mới 3.100 ha rừng.
Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng trên địa bàn, cùng với việc chuẩn bị chu đáo cho Lễ phát động "Tết trồng cây”, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền các xã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới các thôn, bản; tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn các xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ngay ngày đầu ra quân thực hiện Tết trồng cây, toàn huyện phấn đấu trồng mới được 20 ha rừng. Huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng ngay trong vụ xuân này (trước ngày 15/5).
Không chỉ huyện Yên Bình, các địa phương khác cũng đã chủ động xác định địa điểm trồng cây, chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái theo hướng đa dạng ưu tiên trồng loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao.
Tại huyện Văn Yên, với mục tiêu trồng 1.200 ha rừng trong tháng đầu ra quân, ông Vũ Minh Phúc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Để phong trào "Tết trồng cây” thiết thực hiệu quả, chính quyền địa phương, các ban ngành tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về mục đích và ý nghĩa "Tết trồng cây”; tạo phong trào mạnh mẽ trong nhân dân, huy động mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức, cơ quan, công ty, trường học, lực lượng vũ trang tích cực tham gia.
"Năm nay, huyện Văn Yên phát động "Tết trồng cây” tại thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái. Sau Lễ phát động, các đại biểu sẽ trồng 7.000 cây quế, tương đương với 1 ha. Huyện phấn đấu trong tháng 2 sẽ phát động trồng 1.200 ha rừng tập trung, trong đó tuần đầu ra quân các địa phương trồng được 350 ha rừng” - ông Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để hoàn thành mục tiêu trồng rừng vụ xuân và kế hoạch cả năm, đơn vị đã tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, quản lý chặt chẽ chất lượng giống.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu ngay trong tháng phát động "Tết trồng cây”, trồng trên 3.000 ha rừng và dự kiến trong vụ xuân này sẽ trồng mới trên 12.000 ha”.
Xác định phát triển lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế lâm nghiệp chiếm khoảng 37% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp; toàn tỉnh có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn, khoảng 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Văn Thông