Cầu Cổ Phúc, cây cầu bà con huyện Trấn Yên mơ ước bao đời đã được khánh thành ngay những ngày đầu năm mới này. Cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, không chỉ nối các xã bên sông với thị trấn huyện lỵ, tô điểm "gương mặt" nông thôn mới, mà còn nhân lên trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây niềm vui và khí thế lớn khi bước vào xuân mới.
Ông Nguyễn Văn Vinh, người dân xã Y Can phấn khởi nói: "Hàng nghìn năm nay không có cầu ai cũng phải đi đò, rất vất vả. Bây giờ có cái cầu này đi lại thuận tiện thì cả trẻ con đến người già ai cũng vui sướng”.
Nói đến xây dựng nông thôn mới ở huyện Trấn Yên, không thể không nhắc tới "điểm sáng” Hồng Ca. Ở nơi vùng cao vô vàn khó khăn ấy, với sự chung sức, chung lòng, góp công góp của của đồng bào, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo huyện, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, từ một xã đặc biệt khó khăn, Hồng Ca trở thành xã cuối cùng ở Trấn Yên hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2019.
Hiện, toàn xã có 100% đường trục xã, trên 80% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu từ các công trình thủy lợi; 100% số hộ sử dụng điện an toàn...
Cầu Cổ Phúc được khánh thành ngay dịp đầu năm 2021 đã nhân lên niềm vui và khí thế khi bước vào Xuân mới.
Hồng Ca đã hình thành vùng tre măng Bát Độ, quế, dâu, cây ăn quả gắn với thu mua, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%.
Xuân này, những ngôi nhà của đồng bào Mông không còn heo hút, những con đường không còn hiểm trở. Giữa núi rừng, Hông Ca đẹp và sạch không kém vùng thấp. Chị Cháng Thị Nhà, Bí thư chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca cho biết, giờ đây, ý thức của người dân đã khác trước rất nhiều, không chỉ chăm lo sản xuất, đồng bào Mông đã quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường....
Một trong những điểm nhấn của nông thôn mới Trấn Yên là người dân đồng thuận hiến đất, góp công, góp của, không toan tính thiệt hơn để bê tông hóa các tuyến đường nông thôn. Kết quả đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được 785 km đường giao thông. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong huyện đã thực hiện kiên cố hóa được hơn 270 km đường giao thông, với tổng kinh phí thực hiện trên 400 tỷ đồng; trong đó đóng góp của người dân hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn hiến trên 90.000 m2 đất và hơn 40.000 công lao động…
Anh Hà Văn Dậu, thôn An Thịnh, xã Kiên Thành bày tỏ: "Hệ thống đường giao thông mấy năm gần đây phát triển rất nhanh, ở các thôn bản thì rộng, sạch sẽ, đẹp, giúp việc giao thương hàng hóa của bà con dễ dàng, việc đi lại của học sinh thuận lợi”.
Vừa duy trì các tiêu chí nông thôn mới ở tất cả các xã, huyện Trấn Yên cũng triển khai xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, đã có một xã là Đào Thịnh đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và dự kiến đây cũng là xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm sau, khi hoàn thành các nhóm tiêu chí.
Tại các xã cũng đang tích cực xây dựng các thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Ban đầu, huyện Trấn Yên xác định thực hiện 25 thôn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng đến nay, đã có đến 38 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Việt Thành là một điển hình tiêu biểu.
Bà Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Nâng cao hay kiểu mẫu thì đều nhắm đến mục tiêu là nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền vận động, đưa những chương trình phát triển kinh tế vào cho người dân, để đời sống của người dân phát triển một cách bền vững. Chúng tôi sẽ tạo các sân chơi cho người dân, để người dân có kinh tế rồi thì phải có điều kiện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa với nhau. Từ việc kinh tế no đủ, văn hóa tinh thần thoải mái thì đương nhiên ý thức người dân sẽ được nâng lên”.
Theo kế hoạch, năm 2021, huyện Trấn Yên tiếp tục xây dựng thêm 25 thôn nông thôn mới kiểu mẫu để toàn huyện có khoảng 65 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Báo Đáp, Việt Thành, Nga Quán, Bảo Hưng.
Ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cần có sự tập trung quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, giữ vững và duy trì các tiêu chí, đồng thời nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên trước hết là tuyên truyền, quán triệt từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về các chủ trương xây dựng nông thôn mới, thứ hai và quan trọng nhất là để người dân hiểu được mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới vì mục tiêu, lợi ích của người dân”.
Một mùa Xuân mới lại về, sự no ấm ở huyện nông thôn mới Trấn Yên bừng lên qua những triền đất bãi dâu xanh thắm, trên những đồi quế bạc tỷ giàu đẹp, trên những con đường bê tông vươn dài khắp các ngõ xóm... Dù năm nay, dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đón một cái Tết đầm ấm, yên vui, không quên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, quyết tâm cùng cả nước hướng đến một năm mới nhiều hạnh phúc.
(Theo VOV)